Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại Bộ Giao thông vận tải

Thứ Hai, 22/07/2013, 14:32 [GMT+7]

Ngày 19-7-2013, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1646/TB-TTCP thông báo kết luận việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giai đoạn 2009-2012.

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT đã triển khai kịp thời công tác PCTN tới các đơn vị trực thuộc như: thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác PCTN; thành lập Phòng thanh tra 4 làm công tác chuyên trách về PCTN; xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động PCTN của Chính phủ; ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn I, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải triển khai đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng vốn và tài sản; quản lý, sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ và một số lĩnh vực khác. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều thiếu sót. Các cơ quan điều tra đã khởi tố 8 vụ việc, xử lý hành chính 10 người có hành vi tham nhũng.

Hội nghị giao ban sơ kết công tác phối hợp xử lý một số nội dung liên quan đến công tác tài chính ngành Giao thông vận tải (tháng 6/2013)
Hội nghị giao ban sơ kết công tác phối hợp xử lý một số nội dung liên quan đến công tác tài chính ngành Giao thông vận tải (tháng 6/2013)

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cơ chế quản lý, Bộ GTVT đã rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các TTHC đảm bảo thời gian quy định, công bố, ban hành 454 TTHC trong đó bổ sung 181, sửa đổi 273. Ban hành Thông tư liên tịch số 12/2008/TTLT-BGTVT-BNV ngày 5/12/2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; Thông tư số 04/2009/TT-BGTVT ngày 8/5/2009 quy định tiêu chuẩn giám đốc Sở giao thông vận tải thuộc UBND cấp tỉnh; Quyết định 2736/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2012 quy định về thực hiện chế độ trách nhiệm của công chức thuộc Bộ GTVT trong thi hành công vụ. Các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ đã chuyển đối vị trí công tác của 286/908 người vào năm 2009, 312/957 người vào năm 2010 và 420/982 người vào năm 2011.

Bộ cũng rà soát cơ chế quản lý tài chính, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến dịch vụ giao thông thuộc danh mục sản phẩm dịch vụ công ích; các định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động hoa tiêu hàng hải, vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng đài thông tin duyên hải…; đã rà soát 130/155 tiêu chuẩn ngành, hoàn chỉnh soát xét 115 tiêu chuẩn ngành, 31 tiêu chuẩn cơ sở, 38 quy chuẩn quốc gia, đang soát xét 156 tiêu chuẩn ngành để phân loại, chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn quốc gia, Tiêu chuẩn cơ sở…

Nhằm công khai minh bạch hoạt động của Bộ, Ban Cán sự đảng đã ban hành các quy định phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ; công khai quy hoạch cán bộ các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2011-2016. Công bố Chiến lược phát triển toàn ngành đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các quy hoạch phát triển chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không và đường thủy nội địa; ban hành quy định phân công, phân cấp trong lập, quản lý quy hoạch giữa các cơ quan; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh.

Việc triển khai thực hiện đầu tư dự án cơ bản tuân thủ theo các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu trong lập, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu; lập, phê duyệt dự toán, thiết kế bản vẽ thi công; lập, phê duyệt quyết toán.

Về quản lý tài chính, Bộ công khai tiêu chí phân bổ ngân sách lần đầu, dự toán, quyết toán sử dụng ngân sách, nguồn kinh phí khác phù hợp với quy định về công khai quản lý ngân sách nhà nước, pháp luật về PCTN.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ kết luận việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về PCTN của Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc còn những hạn chế, thiếu sót sau:

Việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính còn chậm so với kế hoạch, chưa tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá việc thực hiện chế độ tự chủ của các cơ quan trực thuộc. Bộ máy quản lý của Bộ còn có sự trùng về tên gọi, chống chéo về chức năng. Việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được huy động vốn, đầu tư ra ngoài, đầu tư cho thuê tài sản là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Bộ chưa có quy chế quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định đầu tư, đấu thầu và chất lượng công trình đối với các công trình, dự án ủy quyền cho Sở Giao thông địa phương thực hiện đầu tư, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng quốc lộ.

Việc công khai dự toán thu, chi thường xuyên còn chậm, chưa đúng với biểu mẫu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 2 (trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) không công khai số liệu dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách năm 2010, 2011, 2012; chưa kiểm tra, thanh tra về công khai tài chính đối với các đơn vị trực thuộc.

Bộ GTVT cũng chưa thống kê, tổng hợp được các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được thực hiện; không tổng hợp được các sai phạm đã phát hiện, tình hình thực hiện các kiến nghị và việc thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Từ kết quả nói trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT: 1) Kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc còn để những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện pháp luật về PCTN. 2) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. 3) Rà soát, nghiên cứu quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Xây dựng, ban hành các tiêu chí cơ bản làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chế độ tự chủ; tiếp tục hoàn thành việc sửa đổi các TTHC, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống dữ liệu về đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm tăng cường công khai minh bạch các hoạt động. 4) Chấn chỉnh công tác lập và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng công trình và kỷ luật trong quyết toán vốn đầu tư. Đặc biệt kiểm soát việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư đối với dự án, công trình ủy quyền cho các Sở Giao thông địa phương đầu tư, duy tư, bảo dưỡng. 5) Rà soát, sửa đổi công tác lập, phân bố và giao dự toán khắc phục tình trạng giao chậm, giao nhiều lần; công khai, minh bạch về tài chính ngân sách theo đúng quy định; chỉ đạo các đơn vị dự toán cấp dưới thực hiện công khai đúng biểu mẫu, số liệu công khai tài chính phải chính xác, thực hiện chế độ công khai đầy đủ. 6) Xây dựng hệ thống thông tin thống nhất về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, thanh tra đối với toàn bộ lĩnh vực quản lý của Bộ.

P.V

;
.