Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng”

Thứ Năm, 06/12/2012, 10:49 [GMT+7]

Tại hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng, thời gian qua mặc dù các cấp, ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả hoạt động giám sát đã phát huy vai trò của các cơ quan hữu quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần đẩy lùi và hạn chế nạn tham nhũng. Tuy nhiên, số vụ việc, số người liên quan đến tiêu cực và tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp. Tham nhũng còn xâm nhập vào cả những lĩnh vực như nhân đạo, cứu trợ xã hội, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

  Quang cảnh Hội thảo

Các ý kiến cũng tập trung vào những vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng; những vẫn đề đặt ra trong nghiên cứu, hoàn thiện phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; thực trạng và giải pháp giám sát phòng chống và xử lý hành vi tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và nhi đồng; Hoàn thiện phạm vi, thẩm quyền, phương thức, trình tự nội dung tiêu chí thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; Mối quan hệ giữa Ủy ban Tư pháp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ; Thực tiễn giám sát phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế và sử dụng các quỹ bảo hiểm, ủng hộ người nghèo và các quỹ khác thuộc chức năng của Ủy ban về các vấn đề xã hội.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hết sức phức tạp. Vì vậy, để tiến hành giám sát công việc này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần phải dựa trên một trình tự, thủ tục giám sát hết sức cụ thể để có thể vừa làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng đảm bảo rằng hoạt động giám sát không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Tư pháp và các cơ quan được giao chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; cần đa dạng và đổi mới nội dung giám sát theo hướng mở rộng phạm vi và thời điểm giám sát báo cáo theo hướng không chỉ giám sát Báo cáo chung của Chính phủ vào cuối năm mà 6 tháng hàng năm có thể yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành báo cáo tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực quản lý...

Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, khoa học về thực trạng trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, các đại biểu cũng đã đề xuất những giải pháp, nội dung liên quan nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng một cách hiệu quả.

                                                                                                               Thu Huyền

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.