Kon Tum: Giám sát công tác thi hành án dân sự

Thứ Ba, 18/11/2014, 10:21 [GMT+7]
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum vừa chủ trì phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành giám sát trách nhiệm của Chi bộ, đồng chí Bí thư Chi bộ và đồng chí Cục trưởng Cục thi hành án dân sự trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.  
Một Hội nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum
Một Hội nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum
Kết quả giám sát cho thấy, những năm qua, Chi bộ, đồng chí Bí thư chi bộ, đồng chí Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum thường xuyên phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt các mặt hoạt động tại các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong việc rà soát, xác minh, phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành để tổ chức thi hành kịp thời, đảm bảo quy định. 
Trong công tác thi hành án, Chi bộ, lãnh đạo Cục quan tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nhất là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các Chi cục áp dụng và thực hiện đúng quy trình, thủ tục thi hành án; kịp thời cho ý kiến tháo gỡ khó khăn trong nghiệp vụ thi hành án. Nhờ vậy chất lượng hiệu quả thi hành án dân sự ngày càng nâng cao, đạt và vượt chỉ tiêu do Tổng cục thi hành án dân sự giao hàng năm. Năm 2011 vượt 8,6% về việc, 27,82% về tiền. Năm 2012 vượt 10,59% về việc, 26.07% về tiến. Năm 2013 vượt 4,55% về việc, 17,83% về tiền. Năm 2014 vượt 7,73% về việc, 16,56% về tiền (tính trên số án và số tiền có điều kiện thi hành), góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm cho các phán quyết của Tòa án được tổ chức thực hiện nghiêm túc.
 Bên cạnh những ưu điểm, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ, đồng chí Bí thư Chi bộ, đồng chí Cục trưởng Cục thi hành án dân sự có nơi, có lúc, có việc chưa kịp thời, sâu sát, toàn diện, nên việc thụ lý và giải quyết các vụ, việc thi hành án dân sự còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm: Quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan liên quan, nhất là Tòa án nhân dân giải quyết khó khăn, vướng mắc trong một số vụ việc chưa tốt, dẫn đến vụ việc chậm ra quyết định thi hành, tồn đọng kéo dài. Một số vụ việc tổ chức thi hành chưa kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế, có biểu hiện ngại va chạm, sợ trách nhiệm; trong khi đó một số ít vụ việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản vượt quá mức cần thiết, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Xác minh điều kiện thi hành án có vụ, việc chưa thực hiện đúng định kỳ về thời gian theo quy định của Luật thi hành án và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. 
Hiện tại, toàn ngành còn tồn đọng nhiều vụ việc thi hành án kéo dài, trong đó phần lớn các vụ việc do bên phải thi hành án không có điều kiện thi hành, đáng lưu ý là nhiều vụ việc không thi hành được là do bản án của Tòa án tuyên không có tính khả thi, không nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.
Đoàn giám sát kiến nghị Thường trực Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Chi bộ, đồng chí Bí thư Chi bộ, đồng chí Cục trưởng Cục thi hành án dân sự có kế hoạch cụ thể phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm hạn chế đã được chỉ ra thông qua hoạt động giám sát; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm túc, triệt để, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Thái Văn Ngọc 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)
;
.