Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020"

Thứ Sáu, 13/09/2013, 10:56 [GMT+7]

Ngày 12-9-2013, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thường trực cấp ủy các huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp và các cơ quan tư pháp Trung ương, công tác cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp trong những năm tiếp theo. Các nội dung của Nghị quyết được triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của cấp uỷ đảng đối với hoạt động tư pháp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể đối với các hoạt động tư pháp, hoạt động của các chức danh tư pháp. Các cấp, các ngành đã ban hành trên 100 văn bản các loại; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp; gắn cải cách tư pháp với cải cách hành chính, cải cách hoạt động lập pháp. Đối với những vụ án quan trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, cấp uỷ các cấp trực tiếp nghe và thống nhất chủ trương, đường lối giải quyết. Bộ máy các cơ quan tư pháp được kiện toàn, bổ sung theo mô hình mới; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp thực sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Từ năm 2003 - 2008, ngoài nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, Thái Bình đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị phương tiện làm việc phục vụ hoạt động của các cơ quan tư pháp. Mối quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các ngành Kiểm sát, Công an, Tòa án, Thi hành án được tăng cường, kịp thời thống nhất nội dung trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Quá trình giải quyết vụ án, các trình tự, thủ tục tố tụng được chú trọng và thực hiện chặt chẽ, bảo đảm tính dân chủ, công khai, nghiêm minh của pháp luật. Do đó chất lượng xét xử và tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ án bị hủy năm 2005 là 1,2%, 9 tháng năm 2013 giảm xuống còn 0,37%.  Đặc biệt trong công tác xét xử các vụ án hình sự, việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên toà được đổi mới và có những chuyển biến mạnh mẽ. Quá trình xét xử tại phiên toà đã giải thích cụ thể quyền tham gia tranh tụng công khai của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, không hạn chế thời gian tranh tụng trong các vấn đề trọng tâm của vụ án. Trong 8 năm, ngành Toà án đã giải quyết 20.522 vụ, việc sơ, phúc thẩm, giám đốc thẩm các loại với 10.320 bị cáo. Ngành Công an, Toà án, Viện Kiểm sát chọn xét xử lưu động 273 vụ để tuyên truyền nhằm giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và răn đe tội phạm ... Ngành tư pháp tập trung nâng cao chất lượng công tác bổ trợ tư pháp, nâng cao trình độ tranh luận của luật sư tại phiên toà; tham mưu hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp. Thái Bình đã hoàn thành xây dựng Đề án, thống nhất chủ trương và đề nghị Trung ương xem xét, quyết định thành lập 4 toà án nhân dân sơ thẩm khu vực, viện kiểm sát nhân dân khu vực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bố trí trụ sở làm việc phù hợp với địa giới hành chính của các huyện, Thành phố.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các chủ trương của Bộ, ngành Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về cải cách tư pháp, gắn cải cách tư pháp với cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với cơ quan tư pháp. Chăm lo xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác, đạo đức nghề nghiệp các luật sư, đáp ứng yêu cầu bào chữa, tranh tụng; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương ...

Nguyễn Thị Khánh

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)

;
.