Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp

Thứ Năm, 01/08/2013, 09:15 [GMT+7]

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP).

Nghị định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức GĐTP công lập; việc thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng GĐTP; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng GĐTP; danh sách người GĐTP theo vụ việc, tổ chức GĐTP theo vụ việc; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hoạt động GĐTP.

Theo đó, tổ chức GĐTP công lập thực hiện GĐTP theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật GĐTP và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ GĐTP tại thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ GĐTP tại thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác quy định cụ thể việc thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng về chế độ làm việc của tổ chức GĐTP công lập thuộc ngành mình.

Văn phòng GĐTP được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật GĐTP, Luật doanh nghiệp, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với Văn phòng GĐTP hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải là giám định viên tư pháp. Văn phòng GĐTP có thể có thành viên góp vốn.

Văn phòng GĐTP có quyền: thuê giám định viên tư pháp và nhân viên làm việc cho Văn phòng; thu chi phí GĐTP theo quy định của pháp luật; thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Văn phòng GĐTP có nghĩa vụ: niêm yết công khai chi phí GĐTP; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê; chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra; báo cáo Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động GĐTP theo định kỳ hàng năm; nộp lệ phí đăng ký hoạt động theo mức lệ phí đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chế độ bồi dưỡng GĐTP quy định tại Điều 37 của Luật GĐTP được áp dụng đối với những đối tượng: giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện GĐTP; người giúp việc cho người GĐTP hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Trợ lý, kỹ thuật viên, y công, cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi và những người khác do Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người GĐTP chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi…

Giám định viên tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc GĐTP. Giám định viên tư pháp thuộc tổ chức GĐTP công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp ban hành Quy chế phối hợp giữa Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y.

Bộ Y tế quy định cơ quan, tổ chức thực hiện, nội dung, thời gian đào tạo hoặc bồi dưỡng để cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Bộ Công an quy định cơ quan, tổ chức thực hiện, nội dung, thời gian đào tạo hoặc bồi dưỡng để cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự.

Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về mã số hoặc chức danh nghề nghiệp đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động GĐTP thuộc các tổ chức GĐTP công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động GĐTP thuộc các tổ chức GĐTP công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về hoạt động giám định pháp y trong ngành công an. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về hoạt động giám định kỹ thuật hình sự trong quân đội.

Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm ban hành quy chuẩn GĐTP ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Trường hợp không ban hành quy chuẩn riêng thì có trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động GĐTP ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013.

P.V

;
.