Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Thứ Năm, 01/08/2013, 15:15 [GMT+7]

Ngày 31-7-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp để kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ủy viên thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng, thành viên Ban cán sự cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp và làm việc với Đoàn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc

Qua 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được phân công, đồng thời có nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được phân công. Đến nay, nhiều nhiệm vụ, đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

Đối với lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, trong tổng số 178 luật, pháp lệnh được ban hành từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2013 có tới 63 văn bản trực tiếp liên quan đến cải cách tư pháp.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp”, nhiều chính sách lớn, quy hoạch tổng thể trong các lĩnh vực bổ trợ tư  pháp đã được xây dựng, ban hành như Chiến lược Luật sư, Chiến lược trợ giúp pháp lý... Nhờ đó, chất lượng Luật sư ngày càng được nâng lên. Tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả và có trách nhiệm với dân.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp luôn được Bộ Tư pháp coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành. 8 năm qua, Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo gần 28.000 sinh viên/học viên, Học viện Tư pháp đào tạo 22.880 học viên tốt nghiệp là nguồn bổ nhiệm các chức danh: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị số 49-NQ/TW như còn tồn tại một số hạn chế như: thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, công tác thi hành án vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc phát triển các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý do Ngành tư pháp quản lý trên một số lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, các chức danh tư pháp vẫn còn nảy sinh những vấn đề chưa thống nhất về quan điểm và phối hợp hành động thực tế giữa các Ngành. Chế độ, chính sách liên quan đến công tác đầu tư xây dựng có những điểm chưa hợp lý...

Phát biểu Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận những nỗ lực, sáng kiến của cán bộ, đảng viên Bộ Tư pháp trong xây dựng, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thực tiễn hoạt động cải cách tư pháp trong thời gian đã phát sinh những vấn đề mới, Bộ Tư pháp cần phát hiện đầy đủ những phát sinh này để bổ sung cho báo cáo của Ban Chỉ đạo trình Bộ Chính trị đạt chất lượng cao nhất, giúp Bộ Chính trị đưa ra những quyết định tiếp theo.

Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, cùng sự phối kết hợp của các Bộ, ngành, với sự cố gắng, quyết tâm, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và cán bộ, công chức ngành Tư pháp sẽ giải đáp được những vấn còn tồn tại trong công cuộc cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam vững mạnh, xứng tầm, là bộ phận không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền.

                                                                                                P.V

;
.