Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính

Chủ Nhật, 13/12/2015, 16:56 [GMT+7]

Hỏi: Xin cho biết mục đích và nội dung của việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước?

Trả lời: Theo Điều 3 và Điều 6 của Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25-6-2013 có quy định như sau:

Về mục đích giám sát

1. Đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2015
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2015

2. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

3. Giúp nhà nước, chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

4. Thực hiện việc công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Về nội dung giám sát

1. Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo các nội dung sau:

a) Hoạt động đầu tư tài sản tại doanh nghiệp (bao gồm danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn huy động gắn với dự án đầu tư).

b) Việc huy động vốn và sử dụng vốn huy động; phát hành trái phiếu, cổ phiếu (nếu có).

c) Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp bao gồm đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài, đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán (nếu có); hiệu quả việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.

d) Việc quản lý tài sản, công nợ phải thu, công nợ phải trả, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu.

2. Giám sát bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.

3. Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo các nội dung sau:

a) Hoạt động sản xuất, tiêu thụ, tồn kho sản phẩm; doanh thu hoạt động kinh doanh, dịch vụ; doanh thu hoạt động tài chính; thu nhập khác.

b) Kết quả hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA).

c) Phân tích về lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

d) Việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

đ) Phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

4. Giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, trong đó có các nội dung về chi phí tiền lương, thu nhập của người lao động, người quản lý điều hành doanh nghiệp.

5. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán thực hiện các quy định về giám sát tài chính tại Quy chế này và các quy định của pháp luật về tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác với Quy chế này thì áp dụng theo pháp luật chuyên ngành.

Lê Anh

;
.