Hội thảo "Phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp"

Thứ Hai, 20/07/2020, 15:38 [GMT+7]
    Ngày 20-21/7, tại Ninh Thuận, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo: "Phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp". Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
 
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận: Luật Phòng, chống tham nhũng - Những vấn đề đặt ra trong triển khai thi hành Luật  nói chung và trong phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; Nhận diện hành vi "tham nhũng vặt", sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong các lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Thực trạng tình hình tham nhũng, "tham nhũng vặt" trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng...
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, thường xảy ra trong hoạt động xử lý thủ tục hành chính, nhất là trong quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Tham nhũng vặt thường là tham nhũng nhỏ, xảy ra thường xuyên và được thực hiện bởi các công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với tài chính, tài sản công, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp trong xã hội. Tham nhũng vặt làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào những chủ trương, chính sách tốt đẹp của Nhà nước. Tham nhũng vặt tràn lan sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng lớn và sẽ tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội và bộ máy nhà nước.
 
    Đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để khắc phục tình trạng này, một số đại biểu cho rằng, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải cách khu vực công một cách sâu rộng, thực chất, nhất là hoạt động của một số cơ quan như cơ quan thuế, hải quan, tư pháp, thanh tra, kiểm toán... Cải cách và ứng dụng công nghệ để tăng cường việc tố cáo tham nhũng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời phát hiện chấn chỉnh những biểu hiện, tư duy sai lệch, ngăn ngừa sai phạm. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình và tiếp cận thông tin; phát huy vai trò của các cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra, điều tra, vai trò giám sát, phản biện của tổ chức xã hội, vai trò của báo chí, công luận và mọi công dân...
Nguyễn Phương Thảo
.