Kiểm toán 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020

Thứ Hai, 16/12/2019, 13:55 [GMT+7]
    Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1866/QĐ-KTNN về “Kế hoạch kiểm toán năm 2020”. Theo đó, trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán 158 cuộc kiểm toán, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng - an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.
 
    Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, năm 2020 số cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước giảm khoảng 20% so với năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ khác trong năm 2020.
 
Một Hội nghị của Kiểm toán nhà nước
Một Hội nghị của Kiểm toán nhà nước
    Kiểm toán Nhà nước lựa chọn một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện kiểm toán, nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Kế hoạch kiểm toán 2020 của Kiểm toán Nhà nước đảm bảo tính minh bạch trong xác định, lựa chọn đầu mối đơn vị được kiểm toán, nhằm phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan chức năng khác để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán; đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.
 
    Năm 2020 Kiểm toán Nhà nước sẽ đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để giảm thời gian kiểm toán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
    Kế hoạch kiểm toán cụ thể như sau: Trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiểm toán 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
    Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng nhà nước; 12 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và 03 ngân hàng thương mại.
 
    Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được Kiểm toán nhà nước lựa chọn kiểm toán có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: Đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu… Theo đó, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty hạ tầng mạng, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiển Bảo Minh; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị Udic; Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn; Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn; Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn; Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam sẽ được KTNN thực hiện kiểm toán.
 
    Trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ; nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ- TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán tại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
 
    Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước tổ chức 21 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm: 02 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, việc quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về công tác quản lý thu ngân sách và  quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, góp phần giảm nợ công, phát triển kinh tế xã hội.
 
    Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2020, Kiểm toán Nhà nước sẽ bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán nhằm nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
                                                                                    Ngọc Linh
.