Khung chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong mối liên hệ với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã

Thứ Tư, 06/11/2019, 16:58 [GMT+7]
    Ngày 06/11/2019, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ và Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WCS) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khung chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong mối liên hệ với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã”. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến  lược và Khoa học thanh tra, Thanh Tra Chính phủ và PGS.TS Vũ Công Giao, Viện trưởng Viện Chính sách công và Pháp luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan, Hội Luật gia Việt Nam; đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Thành ủy Hải Phòng; đại diện UBND, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An và các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tạo ra nguồn doanh thu bất hợp pháp trên toàn cầu lên tới 23 tỷ USD/năm (khoảng 520 nghìn tỷ đồng); tham nhũng có thể diễn ra ở mọi giai đoạn, bao gồm các hoạt động như hối lộ để có thông tin về hoạt động tuần tra; mua chuộc hải quan và cảnh sát để có giấy phép và hạn ngạch buôn bán, đút lót để lô hàng không bị kiểm tra hoặc tịch thu, hối lộ thẩm phán và công tố viên để đối tượng săn trộm và buôn lậu động vật hoang dã được tha…
 
    Theo báo cáo tổng kết vi phạm và thực thi pháp luật về động vật hoang dã tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017, các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; thu, giữ 41.328kg cá thể và sản phẩm động vật hoang dã; 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; xét xử 432 bị cáo với 16 tỷ tiền phạt đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã…
 
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận và thảo luận về các nội dung như: Những kết quả ban đầu trong tổng kết chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; khung pháp luật hiện hành về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam; tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và mối liên hệ giữa tham nhũng với buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay và mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã; kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay và gợi ý áp dụng trong cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống tham nhũng tại cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp ở Việt Nam; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, một số đề xuất, kiến nghị đối với việc xử lý hành vi tham nhũng góp phần tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam; bảo vệ người tố cáo trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và liên hệ tới các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã; thu hồi và xử lý tài sản tham nhũng có liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, một số kinh nghiệm quốc tế và gợi mở chính sách cho pháp luật Việt Nam; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng theo pháp luật quốc tế và Việt Nam, giá trị tham khảo cho thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng xuyên quốc gia về động vật hoang dã… 
 
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
    Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như: Bằng thể chế và hành động thực tiễn, Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng và bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam; có quy định cụ thể về việc bảo vệ người phản ánh, báo cáo hành vi tham nhũng; đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường khả năng thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và của Nhân dân với cơ quan, người có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và trong công tác bảo vệ động vật hoang dã nhằm phòng ngừa lạm dụng quyền lực của các lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều nguy cơ xảy ra tham nhũng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ động vật hoang dã nhằm công khai, minh bạch công tác bảo vệ động vật hoang dã và hỗ trợ, tăng cường năng lực, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và hợp tác quốc tế theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả…
Đặng Phước
.