Nguyên Trưởng Ban Tài chính PVEP bị tuyên phạt 20 năm tù

Thứ Hai, 03/06/2019, 15:24 [GMT+7]
    Sau 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
 
    Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt 3 bị cáo: Nguyễn Tuấn Hùng (sinh năm 1971, nguyên Trưởng Ban Tài chính PVEP) 20 năm tù, Đỗ Văn Khạnh (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PVD) 3 năm tù, Vũ Thị Ngọc Lan (sinh năm 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVEP) 18 tháng tù về cùng tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng  khai báo tại phiên tòa
Bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng khai báo tại phiên tòa
    Ngoài án phạt tù, tòa còn tuyên cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý tại cơ quan, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong thời gian 3 năm kể từ ngày chấp hành xong án tù.
 
    Bản án sơ thẩm nhận định các bị cáo đều là người có chức vụ trong tổ chức kinh tế Nhà nước, có quyền quyết định với việc gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, việc gửi tiền vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) trong vụ án này là xuất phát từ chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
 
    Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến quy định về quản lý kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của OceanBank.
 
    Sau khi nhận tiền lãi ngoài từ OceanBank, các bị cáo đều không kê khai hạch toán báo cáo vào đơn vị, mà dùng để chi tiêu cho mục đích cá nhân.
 
    Hội đồng xét xử xác định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng đã nhận hơn 39,2 tỷ đồng lãi ngoài và phải chịu trách nhiệm với số tiền đó.
 
    Bị cáo Đỗ Văn Khạnh chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng và Vũ Thị Ngọc Lan nhận 200 triệu đồng. Trong 3 bị cáo, Nguyễn Tuấn Hùng là người giữ vai trò chính, trực tiếp bàn bạc, nhận tiền lãi ngoài với số tiền lớn từ OceanBank.
 
    Tại phiên tòa, mặc dù bị cáo Hùng khai là nhận chỉ đạo từ bị cáo Vũ Thị Ngọc Lan, có báo cáo với bị cáo Lan và bị cáo Khạnh về việc nhận tiền nhưng lại không có chứng cứ, sổ sách nào chứng minh điều này. Vì vậy, bị cáo Lan không đồng phạm vai trò chủ mưu mà chỉ là đồng phạm.
 
    Trong quá trình xét xử, cả 3 bị cáo đều thành khẩn, ăn năn hối hận và đã được Tòa cho áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ: Khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, được tặng thưởng nhiều Bằng khen trong quá trình công tác, đã có ý thức khắc phục một phần hậu quả.
 
    Trong số 3 bị cáo, Vũ Thị Ngọc Lan có hoàn cảnh đặc biệt, bị cáo trực tiếp nuôi mẹ già yếu, gia đình có công với cách mạng, đã chủ động nộp 200 triệu đồng từ trước khi bị khởi tố bị can.
 
    Bị cáo là một trong 10 Doanh nhân Dầu khí xuất sắc, Nhà quản lý xuất sắc, Doanh nhân Dầu khí giỏi, được PVEP có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng cho hưởng chính sách khoan hồng... nên được hưởng mức án thấp nhất dưới khung hình phạt.
 
    Về phần dân sự của vụ án, tính tới thời điểm xét xử, 3 bị cáo đã nộp số tiền khắc phục hậu quả là hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Đỗ Văn Khạnh nộp hơn 4 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng nộp 3,3 tỷ đồng, Vũ Thị Ngọc Lan nộp lại toàn bộ 200 triệu đồng đã chiếm đoạt. Bản án sơ thẩm quyết định tiếp tục tạm giữ số tiền này tiếp tục tạm giữ để trả cho OceanBank - là bên bị thiệt hại.
 
    Tuy nhiên, số tiền này được khấu trừ cho Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) vì Hà Văn Thắm bị tuyên buộc bồi thường cho OceanBank do chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng trái quy định pháp luật. Hành vi của Hà Văn Thắm đã bị tuyên hình phạt và mức bồi thường trong giai đoạn 1 của vụ án.
 
    Ngoài 7 tỷ đồng nêu trên, bản án sơ thẩm còn tuyên buộc bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng tiếp tục phải nộp hơn 31 tỷ đồng để bồi thường cho OceanBank.
 
    Số tiền này cũng được khấu trừ vào nghĩa vụ thi hành án của Hà Văn Thắm.
(TTXVN)
.