Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương

Thứ Sáu, 19/04/2019, 17:00 [GMT+7]
    Ngày 18-4, tiếp tục Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp. Các đại diện đến từ Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... tham dự Phiên họp.
 
    Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Tại Phiên họp, các ủy viên UBTVQH đã tập trung cho ý kiến như sau:
 
    Về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Điều 23 của Luật tổ chức Chính phủ theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Quy định như vậy đã quán triệt tinh thần của Trung ương là đẩy mạnh sự phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương.
 
    Về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến tán thành với đề nghị sửa đổi 23 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương và đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Luật tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, cần rà soát các luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đối với những địa phương đã tự chủ được kinh phí ngân sách thì cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, địa phương không nhất thiết việc gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương.
 
    Về giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người: Đa số ý kiến đề nghị đánh giá lại tác động chính sách này, làm rõ hơn các căn cứ để giảm số Phó Chủ tịch HĐND; đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành để đảm bảo sự ổn định; tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, bảo đảm việc giám sát quyền lực đối với các cơ quan hành chính tại địa phương; một số ý kiến đề nghị chỉ giảm số Phó Chủ tịch HĐND ở cấp huyện, còn giữ nguyên số Phó Chủ tịch HĐND, số Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.
 
    Về cơ cấu tổ chức của UBND: Một số ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo hướng gọn hơn. Theo đó, cơ cấu của UBND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số người đứng đầu cơ quan chuyên môn như Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.
 
    Về hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND: Một số ý kiến đề nghị xác định rõ yêu cầu của việc lập kế hoạch phiên họp thường lệ của HĐND, thay thế quy định về "phiên họp bất thường" bằng quy định về tổ chức các phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND một cách kịp thời, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
 
    Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương: Đa số ý kiến tán thành chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung, vì vậy, đề nghị dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến các Văn phòng và Chánh Văn phòng HĐND, Chánh Văn phòng UBND trong Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hợp nhất; đồng thời, có ý kiến cho rằng đối với Văn phòng hợp nhất này chỉ nên quy định chức năng về giúp việc hành chính, không có chức năng tham mưu chính sách.
Nguyễn Phương Thảo
.