Phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Thứ Ba, 26/03/2019, 14:07 [GMT+7]
    Ngày 25-3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 17 với sự điều hành của Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định; thẩm tra về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
 
    Dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
 
    Về chương trình năm 2019, theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, Chính phủ đề nghị rút khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường.
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình hai dự luật, gồm: Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thông qua tại kỳ họp thứ tám sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, thông qua tại kỳ họp thứ chín; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy sang kỳ họp thứ tám.
 
    Sáu dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2019, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng; Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
 
    Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Chính phủ về việc đưa ra khỏi chương trình năm 2019 với hai dự án luật nêu trên; lùi thời gian trình một kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp; bổ sung vào chương trình năm 2019 bốn dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng) và dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
 
    Dự án Luật khám, chữa bệnh cũng được Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Pháp luật tán thành việc lùi thời gian trình và thông qua, nhưng đề nghị lùi hai kỳ họp thay vì một kỳ họp như đề nghị của Chính phủ để có thêm thời gian chuẩn bị và cân đối với các dự án khác trong chương trình của các kỳ họp Quốc hội.
 
    Riêng dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về việc không bổ sung vào chương trình năm 2019, mà đưa vào chương trình năm 2020 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín và thông qua tại kỳ họp thứ mười.
 
    Trước đó, cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) vào chương trình năm 2019, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phạm vi sửa đổi luật khá rộng; dự án luật chưa quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW ngày 18-1-2013 về Đề án Đổi mới công tác thi đua - khen thưởng cần “giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, khen thưởng bảo đảm chính xác, không trùng lắp và chồng chéo”. Hồ sơ dự án đề nghị dự kiến bổ sung thêm năm hình thức khen thưởng mới; chưa có tổng kết, đánh giá về vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách để có hướng sửa đổi, bổ sung luật. Từ đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
 
    Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, trách nhiệm đặt ra với các cơ quan liên quan cũng như các vấn đề cụ thể từng dự án luật, pháp lệnh…
 
    Các đại biểu về cơ bản thống nhất với đề nghị của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Chung quanh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ việc xin rút khỏi chương trình, giải trình kỹ hơn về việc tại sao xin rút; một số ý kiến đề nghị Chính phủ không nên xin rút, mà chỉ nên lùi thời hạn trình dự án luật này.
                                                                                             Văn Bắc
.