Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật giám định tư pháp

Thứ Hai, 26/11/2018, 16:42 [GMT+7]
    Ngày 22-11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật giám định tư pháp (GĐTP). Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương tham dự Hội nghị. Đến dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước và Sở Tư pháp một số địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Điện Biên, Cà Mau...).
 
    Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật GĐTP, trong 5 năm qua, Luật GĐTP đã đi vào đời sống xã hội, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác GĐTP, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định về GĐTP ở các lĩnh vực, thiện thiết chế tổ chức, cơ chế hoạt động và quản lý nhà nước về GĐTP. Công tác GĐTP có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nề nếp, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Tuy nhiên, vẫn còn nhiều văn bản chưa được một số Bộ, ngành ban hành để hướng dẫn những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong Luật GĐTP. Còn có sự chồng chéo, trùng lặp nhất định về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức GĐTP công lập; phạm vi lĩnh vực cho phép thành lập Văn phòng GĐTP còn hẹp dẫn đến cả nước mới chỉ thành lập 01 Văn phòng GĐTP Sài Gòn. Vẫn còn một số lĩnh vực giám định địa phương chưa có đủ điều kiện để giám định như xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ; kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không đầy đủ, rõ ràng những nội dung được yêu cầu. Có vụ việc, cơ quan thực hiện giám định, người giám định né tránh, từ chối tham dự phiên tòa để trình bày, giải thích kết luận giám định. Việc chi trả tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng... còn chậm. Một số Bộ, ngành chủ quản, địa phương chưa thực sự quan tâm chăm lo đến tổ chức, hoạt động GĐTP ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện thống kê, dự báo nhu cầu giám định và đánh giá chất lượng hoạt động trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để cung cấp cho các cơ quan quản lý, do đó, việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thông tin, căn cứ thực tế cho việc chăm lo tổ chức, hoạt động GĐTP và giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh.
 
    Với những bất cập nêu trên, Hội nghị đã đưa ra một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP như: Mở rộng phạm vi hoạt động GĐTP thông qua việc sửa đổi, mở rộng quyền tự yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng để bảo đảm quyền tìm kiếm chứng cứ của người tham gia tố tụng; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua; bổ sung một số quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu giám định; bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và Bộ, ngành chủ quản....
Nguyễn Phương Thảo,
(Ban Nội chính Trung ương)
.