Đoàn công tác của Ban Bí thư công bố kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn

Thứ Tư, 12/09/2018, 17:56 [GMT+7]
    Chiều 11-9-2018, Đoàn công tác của Ban Bí thư do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị công bố dự thảo kết quả kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) gắn với Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn.
 
    Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn kiểm tra; các đồng chí thành viên Đoàn kiểm tra là lãnh đạo một số Vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương.  
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Về phía Tỉnh ủy Lạng Sơn có đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số huyện ủy, thành ủy, sở, ban, ngành của tỉnh.
 
    Theo dự thảo Báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 64-KL/TW kịp thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, đề án, chương trình hành động phù hợp với tình hình địa phương; phân công nhiệm vụ cho từng cấp ủy, tổ chức đảng với lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận.
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; do đó, đã đạt được những kết quả nhất định, tạo khí thế, tiền đề để thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo. Việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức, đầu mối của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm được các đơn vị trung gian; giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả; giảm số phòng, ban, giảm cấp phó; bước đầu khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; có 11/11 huyện, thành phố thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; có 05/11 huyện, thành phố đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố; có 224/226 xã, phường, thị trấn đã thực hiện Bí thư Đảng ủy hoặc Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã; có 04 xã đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã; đang xây dựng đề án sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận
    Nhiều cơ quan, đơn vị đã đạt tỷ lệ tinh giản trên 8%; gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, giảm chi ngân sách Nhà nước.
 
    Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã được quy hoạch, hướng tới bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xã hội cung ứng dịch vụ công đã có chuyển biến tích cực, từng bước tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bước đầu đã giảm được đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; giảm chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập.
 
    Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công tạo bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng làm tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
 
    Tuy nhiên Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, kết luận ở một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; hành động chưa quyết liệt, vẫn còn một số đảng viên chưa học tập, chưa viết thu hoạch và trách nhiệm cụ thể của cá nhân nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch cá nhân thực hiện các nghị quyết; kế hoạch thực hiện của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp hữu hiệu trong tổ chức thực hiện; cá biệt vẫn còn cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết. Nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động chưa đầy đủ về nội dung của các nghị quyết, kết luận; chưa chủ động đề xuất các giải pháp thực hiện, còn có tâm lý đợi sự chỉ đạo của cấp trên mới triển khai, thực hiện.
 
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị
    Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập mới chỉ là kết quả bước đầu; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Kết quả tinh giản biên chế về tổng thể chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra; số lượng biên chế tinh giản chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưởng chế độ hưu và không thực hiện tuyển mới. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn cồng kềnh, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ chưa có chuyển biến rõ nét, chất lượng và hiệu quả dịch vụ công còn thấp; số lượng đơn vị tự chủ toàn bộ, tự chủ chi thường xuyên và tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên còn thấp; việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm; ngân sách cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập hằng năm còn lớn.
Một số cấp ủy chưa chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương để đánh giá những kết quả đạt được và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế…
 
    Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao Tỉnh ủy Lạng Sơn nghiêm túc triển khai Quyết định, Kế hoạch kiểm tra của Ban Bí thư; chuẩn bị chu đáo Báo cáo tự kiểm tra theo Kế hoạch; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan chuẩn bị nội dung tài liệu phối hợp tốt với Đoàn kiểm tra. Thời gian tới đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, nhất là, trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đồng thời, có giải pháp phù hợp để khuyến khích, đảm bảo lợi ích cho người lao động khi tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế; (2) Chỉ đạo rà soát các chương trình, kế hoạch, xây dựng tiến độ chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan đơn vị, nhất là, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện; đồng thời, tổng kết rút kinh nghiệm các mô hình thí điểm, những nơi làm tốt để nhân rộng; (3) Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai nghị quyết với tinh thần chuẩn hóa, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, giải phóng nguồn lực, phát huy tiềm năng trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tích cực, mạnh mẽ nhưng không nóng vội; xây dựng cơ chế thi tuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức cạnh tranh công khai, minh bạch; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế và công tác cán bộ; rà soát, sắp xếp kiện toàn tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc một tổ chức làm được nhiều việc, một việc do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, giảm lãnh đạo cấp phó, giảm người phục vụ; tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính…; (4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khen thưởng những đơn vị làm tốt, phê bình những nơi chưa làm tốt để nghị quyết đi vào cuộc sống và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặng Phước
.