Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam

Thứ Tư, 29/08/2018, 15:30 [GMT+7]
    Ngày 28-8, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Dự án JICA Nhật Bản tổ chức Hội thảo Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì hội thảo.
 
    Tham dự có đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; một số Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phía Dự án JICA có bà Tsukabe Takako, Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam và các chuyên gia pháp luật của Nhật Bản.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Theo Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo: Tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai, thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (01/7/2008-31/5/2018), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 827 yêu cầu tương trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi tới cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện và 723 yêu cầu tương trợ của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi tới Việt Nam.
 
    Về yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng trong nước ủy thác cho nước ngoài thực hiện, các yêu cầu liên quan đến các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam chiếm 70% tổng số yêu cầu gửi đi. Nội dung các yêu cầu tương trợ tư pháp đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm, trong đó có những tội phạm như tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và các tội phạm xâm phạm sở hữu khác; các tội phạm về ma túy; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;... Qua khâu công tác này, đã góp phần giải quyết triệt để các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong vụ án hình sự.
 
    Về yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng nước ngoài ủy thác cho Việt Nam thực hiện, có 90% yêu cầu đến liên quan đến các nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam. Các yêu cầu tương trợ của nước ngoài có nội dung liên quan đến việc thu thập, cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, xác minh lý lịch tư pháp (chiếm 46,7%); yêu cầu tống đạt tài liệu, giấy tờ (chiếm 29,8%); yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự (chiếm 10,9%) và các yêu cầu khác (chiếm 9,7%). Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết yêu cầu tương trợ đối với các cơ quan có thẩm quyền trong nước; do đó việc thực hiện các yêu cầu tương trợ cơ bản đáp ứng về thời hạn, thủ tục theo yêu cầu của phía nước ngoài, giúp giải quyết tốt các vụ việc hình sự, đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam liên quan đến các vụ án hình sự ở nước ngoài.
 
    Tại hội thảo, đại diện Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện Dự án JICA Nhật Bản trình bày các tham luận: Thực tiễn thi hành Luật tương trợ tư pháp 2007 của Cơ quan điều tra Công an nhân dân, kiến nghị hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự; một số ý kiến về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam; hoàn thiện các quy định tương trợ tư pháp về hình sự trong Luật tương trợ tư pháp; thực trạng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự tại Nhật Bản. Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm đánh giá kết quả, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật.
 
    Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2008. Luật gồm 07 Chương, 72 Điều, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao làm đầu mối tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Việc tổ chức hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi Luật theo hướng tách, xây dựng thành các luật riêng biệt về tương trợ tư pháp dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
 
    Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật, phục vụ việc đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự và góp phần quyết tốt các vụ án hình sự, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo về lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
                                                                                      Bảo Ngọc
                                                                   (Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
.