Bộ Y tế: Tổ chức Hội nghị công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 28/08/2018, 16:50 [GMT+7]
    Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu thầu và tập huấn công tác đấu thầu toàn quốc năm 2018.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện ra không ít vụ sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc giả gây hoang mang trong dư luận xã hội. Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản góp phần quản lý chặt chẽ hơn vấn đề sản xuất, kinh doanh, buôn bán dược phẩm, như: Ngày 15-3-2018, ban hành văn bản số 184/TTrB-P3 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên quan đến thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc; ngày 29-3-2018, ban hành văn bản số 222/TTrB-P3 gửi Sở Y tế Tp. Cần Thơ xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc.
 
Các đại tham dự Hội nghị
Các đại tham dự Hội nghị
    Cùng với đó, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai nhiều Đoàn thanh tra chuyên ngành về dược phẩm; Thanh tra công tác quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GDP, GPP, GSP; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; công tác quản lý chất lượng thuốc, giá thuốc và quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc tại Sở Y tế Thái Bình và các cơ sở dược, cơ sở khám chữa bệnh có liên quan trên địa bàn, theo Quyết định số 56/QĐ-TTrB ngày 30-3-2018 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo Quyết định số 73QĐ-TTrB ngày 15-5-2018 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh sản phẩm Khang Mỹ Đơn, theo Quyết định số 85/QĐ-TTrB ngày 11-6-2018 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế.
 
    Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế, qua công tác thanh tra về dược, mỹ phẩm, trang thiết bị, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với  tổng số tiền xử phạt 662 triệu đồng. Đồng thời, Cục Quản lý Dược đã triển khai 23 Đoàn kiểm tra, xử phạt 24 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm với tổng số tiền phạt là 1 tỷ 230 triệu đồng.
 
    Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hướng xấu môi trường kinh doanh. Các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, mặt hàng dược phẩm giả, kém chất lượng bị các cơ quan chức năng phát hiện có xu thế tăng mạnh. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, qua thanh, kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, Bộ Y tế đã xử phạt 41 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, qua các đợt thanh tra, kiểm tra tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cơ quan chức năng ngành Y tế phát hiện hơn 68 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý hơn 15 nghìn cơ sở; trong đó, phạt tiền hơn 13 nghìn cơ sở, với số tiền hơn 35 tỷ đồng.
 
    Thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Bộ chủ động triển khai việc thanh tra, kiểm tra các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, mỹ phẩm và dược liệu; đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ để chống buôn lậu dược liệu, hàng lậu.
 
    Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đấu thầu mua thuốc tập trung quốc gia được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2017. Kết quả đấu thầu lần 1 năm 2017 đối với năm hoạt chất đã tiết kiệm được 17% so với giá kế hoạch.
 
    Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng 6,9% so giá kế hoạch gói thầu; các thuốc Generic tiết kiệm được 33% so giá kế hoạch. Riêng đấu thầu trang thiết bị y tế, hiện tại đang thí điểm đấu thầu tập trung một số mặt hàng tại một số tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đang dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu tập trung trang thiết bị y tế.
 
    Thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đấu thầu qua mạng. Từ năm 2018 trở đi, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; tăng cường giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Chỉ thị 47 đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu để những chính sách này thực sự đi vào đời sống.
 
    Bộ Y tế cũng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2021, tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống tham nhũng; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện công vụ; hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đảm bảo công khai minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
                                                                                           Hồng Hà
.