Cử tri kiến nghị Quốc hội thể chế hóa nghị quyết Hội nghị Trung ương 7

Thứ Ba, 22/05/2018, 17:10 [GMT+7]
    Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 21-5. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đã có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian dự kiến của kỳ họp với việc xem xét, thông qua 8 dự án luật, các dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác…
 
    Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo “đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới”.
 
Toàn cảnh Phiên khai mạc
Toàn cảnh Phiên khai mạc
    Thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
 
    Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017. Trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
 
    Tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).
 
    Những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.
 
    Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...
 
    Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: Nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ.
 
    Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.
 
    Dự báo tình hình thế giới, khu vực vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ở trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhất là tiếp tục đà phát triển tốt của năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại hiệu ứng tích cực; nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phát triển tốt.
 
    Tuy nhiên, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp; thiếu nhân lực chất lượng cao; công nghệ sản xuất và năng lực quản trị ở nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp còn lạc hậu; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ cương, kỷ luật nhiều nơi chưa nghiêm.
 
    Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và củng cố quốc phòng, an ninh là rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống...
 
    Từ đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, nhất là năm 2017 và những tháng đầu năm 2018; quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả;” tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chủ động theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng giải quyết các vấn đề mới phát sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.
 
    Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao...
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc
    3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội
 
    Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.459 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.
 
    Cử tri, nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân; vui mừng nhận thấy sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân; xử lý "trúng" những vấn đề phức tạp, "điểm nóng" gây bức xúc trong xã hội; nỗ lực, quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
    Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng…
 
    Cử tri, nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có "vùng cấm," kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu.
 
    Cử tri, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
 
    Cử tri, nhân dân phản ánh tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực; đề nghị Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công; nâng cao trách nhiệm, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
    Cử tri, nhân dân quan tâm, hoan nghênh việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII), nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW; mong muốn việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình, đảm bảo sự đồng bộ, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị; cần tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm trước khi thực hiện trong cả nước.
 
    Cử tri, nhân dân ủng hộ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện, thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương.
 
    Cử tri, nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để nhân dân biết, giám sát.
 
    Cử tri, nhân dân hoan nghênh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 Khóa XII đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết này để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm các sai phạm.
 
    Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương thể chế hóa, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6, 7 (Khóa XII) về phát triển kinh tế, tổ chức và cán bộ, về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống như mong đợi của cử tri, nhân dân. Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp…
 
    Cuối phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
 
    Chiều 21-5, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Tờ trình dự án Luật trồng trọt; Tờ trình dự án Luật đặc xá (sửa đổi).
 
    Theo chương trình, ngày 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Vũ Khuyên
;
.