Một số định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Thứ Hai, 26/03/2018, 16:29 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo về “Một số định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”.
 
    Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội thảo do ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp chủ trì.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia thuộc Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội chia sẻ thông tin về thực trạng công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bao gồm những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác lập dự kiến Chương trình.
 
    Theo đánh giá tổng quan của các chuyên gia thì qua gần 02 năm triển khai thi hành Luật năm 2015 về việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho thấy, về cơ bản, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật về việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, từ việc tổng kết, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật liên quan, xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định đến trình Chính phủ xem xét, thông qua chính sách; Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc tổng hợp, lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật năm 2015 cũng còn những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như tiến độ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn chậm; việc thực hiện một số bước trong trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức; thành phần tài liệu trong hồ sơ của một số đề nghị chưa đầy đủ, chất lượng một số tài liệu trong hồ sơ còn hạn chế, sơ sài.
 
    Đặc biệt, vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh. Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên là do Luật năm 2015 mới có hiệu lực, có nhiều quy định mới với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cách thức xây dựng pháp luật, trong khi đó, số lượng các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới là rất lớn, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong những năm đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, các bộ, ngành còn phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội; sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của một số bộ, ngành đối với công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng với đòi hỏi thực tế của công tác này; nguồn lực bảo đảm, nhất là cán bộ và kinh phí chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật năm 2015...
 
    Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, trong thời gian tới, một trong các giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhất là các quy định mới như xây dựng nội dung của chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định chính sách. Đồng thời, đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản. Các bộ, cơ quan ngang bộ cần củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành; ưu tiên bố trí biên chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản, trong đó chú trọng năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định cho những người làm công tác xây dựng pháp luật; tiếp tục huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội; sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình lập đề nghị, thẩm định.
                                                                            Thu Hương
                                                                            (Bộ Tư pháp)
;
.