Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ Tư, 27/09/2017, 18:36 [GMT+7]
    Ngày 26-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 
 
    Đến dự Hội nghị có các đồng chí là lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang và đại diện các cơ quan Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương...
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một trong những dự thảo luật quan trọng nhất, vì điều chỉnh những vấn đề mới, khó và nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà lập pháp, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và cử tri cả nước. Sở dĩ như vậy vì mục tiêu xây dựng luật là tạo ra một "cú bứt phá ngoạn mục" để hình thành các khu vực tăng trưởng đặc thù trong nước với phương thức quản lý mới và ổn định; tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Tuy nhiên, để làm được điều này, dự thảo Luật phải giải quyết được rất nhiều những khó khăn, vướng mắc liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức các cơ quan tư pháp tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, việc áp dụng pháp luật quốc tế cũng như các chính sách đặc biệt áp dụng tại đây...
 
    Ngay từ đầu, dự thảo Luật đã xác định nguyên tắc áp dụng luật là đối với các quy hoạch, chính sách về kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Những nội dung không quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này với quy định của các Luật có liên quan đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp chính sách được ban hành sau thuận lợi hơn chính sách quy định của luật này. Trường hợp Điều ước quốc tế có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
 
    Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào 4 vấn đề chính: Một là, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật; Hai là, phạm vi những cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo sự đột phá, vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành để phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Ba là, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các khu vực đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; và Bốn là, việc áp dụng pháp luật (Việt Nam hay nước ngoài) để giải quyết các tranh chấp trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
 
    Một cách xuyên suốt, quan điểm xây dựng luật được nhiều đại biểu tán thành là dự thảo Luật phải có được các chính sách đột phá về kinh tế, xã hội để tạo động lực cho sự phát triển, các quy định có thể trái với các văn bản pháp luật hiện hành nhưng không được trái với Hiến pháp và các công ước quốc tế có liên quan.
 
    Tại Hội nghị, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo phương án 1 (tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm Trưởng khu hành chính và Hội đồng). Theo đó, Trưởng khu hành chính là người đứng đầu, đại diện hành chính của đơn vị này, quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn. Hội đồng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm 11 người, do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng giám sát Trưởng đơn vị. Một số ý kiến tán thành với phương án 2 (tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND) để phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời đề nghị chuyển phương án này lên thành phương án 1. Có ý kiến đề nghị, cần bổ sung nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND hoặc Trưởng đơn vị hành chính trong dự thảo Luật. 
Nguyễn Phương Thảo
;
.