Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2017

Thứ Ba, 11/07/2017, 15:38 [GMT+7]
    Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017. Tham dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Ðảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 29,5 nghìn tỷ đồng, hơn 4,9 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 19,5 nghìn tỷ đồng và hơn 4,6 nghìn ha đất, đã thu hồi hơn 5,5 nghìn tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 9,9 nghìn tỷ đồng, 302 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; ban hành 82.074 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
 
    Ngành phối hợp chặt chẽ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ kế hoạch tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp hơn 197 nghìn lượt công dân (tăng 8% so cùng kỳ năm ngoái). Xử lý hơn 88 nghìn đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số hơn 115 nghìn đơn đã tiếp nhận; giải quyết hơn 11 nghìn trong tổng số hơn 16 nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền…
 
    Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 6 tháng đầu năm, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng tăng cả số vụ việc, đoàn đông người, tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Tây Ninh, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh… Ở một số địa phương đã xảy ra hiện tượng công dân tập trung đông người biểu tình, phản đối chính quyền địa phương, thậm chí gây rối, ngăn cản, bắt giữ cán bộ thi hành nhiệm vụ.
 
    Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 197.697 lượt công dân với 125.512 vụ việc, có 2.716 đoàn đông người. Trong đó, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp 7.032 lượt người với 2.256 vụ việc, có 186 đoàn đông người; các bộ, ngành, địa phương đã tiếp 190.665 lượt công dân với 123.256 vụ việc; có 2.530 lượt đoàn đông người. 
 
    Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã xử lý 88.991 đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số 155.409 đơn đã tiếp nhận; có 34.051 đơn khiếu nại, 9.934 đơn tố cáo với 16.185 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước; giải quyết 11.606/16.114 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 72%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho 750 công dân số tiền 32 tỷ đồng, 4ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 142 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 3 đối tượng.
 
    Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và nhiệm vụ thanh tra nhà nước là rất cần thiết, cần có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội. Một số hạn chế của ngành thanh tra, như tiến độ thực hiện một số cuộc thanh tra còn chậm, chất lượng hạn chế, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; kết quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế cả về số vụ việc và việc xử lý chưa kịp thời… 
 
    Đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị, ngành Thanh tra thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ngành cần tiếp tục đổi mới cách làm, công tác thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý các lĩnh vực có nhiều vi phạm tiêu cực, tham nhũng, thanh tra chuyên ngành tập trung những vấn đề xã hội quan tâm. Quá trình thanh tra phải thực hiện đúng chức năng và quy định của pháp luật, hạn chế chồng chéo. 
 
    Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành cần bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm, có nhận thức đúng đắn về quan điểm phục vụ nhân dân và hiểu biết về pháp luật. Nâng cao chất lượng tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất, chú ý tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết kịp thời đúng pháp luật, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp. Trong quá trình giải quyết, xử lý phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi hợp pháp của người dân, không để nhân dân bức xúc, phát sinh điểm nóng…
                                                                                       P.V
;
.