Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp

Thứ Tư, 31/05/2017, 14:37 [GMT+7]
    Ngày 30-5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành Phiên họp thứ 3. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp.
 
    Tham dự Phiên họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trương Hòa Bình; các Ủy viên Ban Chỉ đạo: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga…
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trần Đại Quang cho biết, tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay; đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các địa phương. Đây là kế hoạch triển khai nhiệm vụ thường xuyên của Ban Chỉ đạo trong năm 2017 đã được xác định trong Chương trình số 04-CTr/BCĐCCTPTW ngày 16-1-2017.
 
    Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay; đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới, đa số thành viên cho rằng, từ năm 2002 đến nay, Ban Chỉ đạo đã triển khai thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cải cách tư pháp và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đã lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ tư pháp; các văn bản luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp theo đúng định hướng của Đảng về cải cách tư pháp... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, đó là công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa kịp thời, đồng bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp, về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp... còn chậm.
 
    Về mô hình tổ chức của Ban Chỉ đạo, đa số ý kiến thống nhất việc tiếp tục duy trì Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 40-QĐ/TW và Quyết định 343-QĐNS/TW của Bộ Chính trị nhằm tham mưu, giúp Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nêu trong văn kiện Đại hội XII và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
 
    Đánh giá cao ý kiến pháp biểu của các đại biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Đại Quang nêu rõ, ngay sau Phiên họp này, Văn phòng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tiếp tục tổng hợp đầy đủ các ý kiến mới và ý kiến phát biểu tại Phiên họp để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản.
                                                                                          Lê Sơn
;
.