Giữ nguyên tên nước, khẳng định mục tiêu, con đường phát triển đất nước

Thứ Tư, 05/06/2013, 15:41 [GMT+7]

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 4-6, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tên nước; Hội đồng Hiến pháp, các cơ quan tư pháp; các thành phần kinh tế; tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương… là những vấn đề nhận được đông đảo các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

* Giữ nguyên tên nước, tránh lãng phí thủ tục hành chính không cần thiết

Về tên nước, ý kiến của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đều tán thành với phương án tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ý kiến đồng nhất, tên gọi này, thể hiện rõ hình thức chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ; đồng thời tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) tán thành với quan điểm tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Hiến pháp 1992. Thượng tọa cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã xây dựng phương châm hoạt động của mình dựa trên cơ sở tên nước như trên, đó là Đạo pháp, dân tộc, Chủ nghĩa xã hội. Phương châm này đã nhận được sự tán đồng của đông đảo cộng đồng tăng ni, phật tử trong nước và ra sức thực hiện, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Quàng Thị Nguyên (Sơn La) cho rằng, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay là không cần thiết và sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp. Hơn nữa, việc quy định tên nước như hiện nay là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

* Đề xuất xây dựng Hội đồng bảo hiến để giám sát việc tuân thủ Hiến pháp

Là một quan điểm mới, việc xây dựng Hội đồng Hiến pháp cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau xung quanh sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của thiết chế này. Những ý kiến đồng tình với quan điểm này cho rằng, quy định về Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Có ý kiến đề nghị cần thành lập cơ quan bảo hiến độc lập (Tòa án Hiến pháp) có chức năng phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích, chúng ta đang xây dựng Nhà nước theo mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập là bước đổi mới cần thiết, phù hợp với tình hình mới của đất nước. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị, cần đặt tên thiết chế này là Hội đồng Bảo hiến (Hội đồng bảo vệ hiến pháp); đồng thời bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ Hội đồng Bảo hiến báo cáo kết quả hoạt động đối với Quốc hội. Đại biểu đề nghị Chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, để thay mặt Hội đồng này kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật và yêu cầu các cơ quan hủy bỏ những văn bản vi hiến.

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, cần nghiên cứu mô hình bảo hiến độc lập. Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc thành lập Hội đồng Bảo hiến là phù hợp nhưng cần tăng thêm quyền hạn cho Hội đồng này với các thẩm quyền: đình chỉ, hủy bỏ văn bản vi hiến của các cơ quan Nhà nước khi đã đề nghị hủy bỏ mà không được thực thi.

Buổi thảo luận sáng 4-6 cũng ghi nhận những ý kiến không đồng tình với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. Các đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, chưa cần thiết phải thành lập Hội đồng Hiến pháp mà chỉ cần duy trì cơ chế bảo hiến hiện hành. Bởi vì, việc bổ sung thiết chế mới này trong khi chưa rõ vị trí, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp với các cơ quan khác dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cồng kềnh bộ máy, không đạt hiệu quả. Đề nghị thêm với Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần thành lập những thiết chế độc lập để đảm bảo tính khách quan, đáng tin cậy trong hiệu quả hoạt động của những cơ quan này.

* Bổ sung chức năng kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát

Thảo luận về nội dung hoàn thiện cơ quan tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Tòa án, Viện Kiểm sát theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Đại biểu Huỳnh Thành đề xuất cần đưa vào dự thảo quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và những việc khác theo luật định.Việc bổ sung như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Viện Kiểm sát thực hiện những việc khác khi được Quốc hội xét thấy cần thiết, giao nhiệm vụ. Từ đó, quy định cụ thể trong luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và những luật khác có liên quan như kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, thống kê tội phạm…

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) phát biểu ý kiến
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) phát biểu ý kiến

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Tòa án, Viện Kiểm sát là cơ quan tư pháp; hoặc khẳng định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Điều luật trong dự thảo cũng nên quy định chức năng nhiệm vụ chung của hai cơ quan này. Ngoài việc kiểm sát các hoạt động tư pháp, giữ quyền công tố, cần bổ sung thêm thẩm quyền kiểm soát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước.

* Nâng cao hiệu quả nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa

Việc chọn lựa có hay không đặt kinh tế Nhà nước là thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần phù hợp với đặc điểm đất nước, nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong buổi thảo luận chiều 4-6.

Nhiều ý kiến chọn lựa phương án ghi trong dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Tán thành với sự lựa chọn này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, hiện nay nền kinh tế nước ta gồm 5 thành phần kinh tế; nhưng trong đó chỉ duy nhất kinh tế Nhà nước mới có thể giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế. Bởi, khối doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ những lĩnh vực then chốt, quan trọng nhất của đất nước, đảm bảo điều tiết cho nền kinh tế trong thời bình cũng như thời chiến.

Cũng lựa chọn phương án trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, quy định như vậy thể hiện rõ bản chất nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại biểu mong muốn, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần công khai quy định bản chất của nền kinh tế, lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo.

Đai biểu Bùi Văn Xuyền phát biểu ý kiến
Đại biểu Bùi Văn Xuyền phát biểu ý kiến

Cũng đề nghị theo hướng này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, việc hiến định rõ vai trò các thành phần kinh tế là cần thiết. Theo đại biểu, quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn bởi chính thành phần kinh tế này là công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh; đồng thời quy định như vậy cũng sẽ mở đường, lôi cuốn các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có quan điểm khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chọn phương án 3 như trong Dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Đại biểu cho rằng: Nền kinh tế có cạnh tranh lành mạnh, có sự phân bố hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước và xã hội; đồng thời có điều kiện thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Cùng ý kiến này, đại biểu Đặng Thành Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định: Kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo. Đại biểu dẫn chứng, rất nhiều nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới đều thành công trên nền tảng kinh tế trong nước là nòng cốt. Việc quy định như vậy cũng mở ra cơ hội để hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam vươn lên tầm quốc tế.

* Tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương

Nội dung chính quyền địa phương cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp ý kiến. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo hiến định việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết đánh giá những đề án thí điểm liên quan đến chính quyền địa phương trước khi thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, thực tế cho thấy, việc quy định một mô hình đồng nhất ở ba cấp trên các địa bàn giống nhau là không hợp lý, bất cập, nên cần thiết phải thay đổi. Yêu cầu quản lý Nhà nước ở mỗi địa bàn là khác nhau, đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định theo hướng xây dựng mô hình chính quyền địa phương một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa của mỗi vùng, miền.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) băn khoăn: Vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền các cấp là vấn đề lớn. Nếu giữ như mô hình hiện nay, thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới bộ máy chính quyền cơ sở theo xu thế tình hình phát triển đất nước.

Dẫn chứng, một số địa phương đã tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, các đại biểu Bùi Văn Xuyền, Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình thí điểm không xảy ra những vấn đề bất thường, kinh tế - xã hội của địa phương vẫn phát triển tốt, an ninh, chính trị vẫn ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo.

Hoan nghênh việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp thu tốt ý kiến đóng góp của nhân dân về chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng tán thành quan điểm xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo đặc thù. Đại biểu phân tích: Ở các đô thị lớn, không nhất thiết phải có nhiều cấp chính quyền, vì có tính liên thông cao. Việc giảm các cấp chính quyền sẽ giảm được biên chế, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, cần tổng kết thí điểm mô hình không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường để định hình rõ bộ máy này. Đại biểu đề nghị, cần hiến định chính quyền địa phương với các yếu tố cấu thành như: Có cơ chế thành lập cụ thể, chức năng, bộ máy, cần thực quyền, chuyên nghiệp, không trồng chéo, trùng lắp, không cào bằng ở mọi cấp hành chính.

Tổng kết hai ngày thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 86 đại biểu phát biểu tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp, pháp luật của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã quan tâm, góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; khẳng định ý kiến góp ý của cử tri đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu, tổng hợp một cách khoa học để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 lần này. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng hoan nghênh và tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian tới với mong muốn có bản dự thảo đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

(Theo TTXVN)

;
.