Tuyên án phúc thẩm vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín

Thứ Tư, 26/08/2020, 14:27 [GMT+7]
    Ngày 25/8, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB).
 
    Trước đó như TTXVN đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín - giai đoạn 2, gây thiệt hại cho Ngân hàng này hơn 1.338 tỷ đồng.
 
Các bị cáo tại Phiên Tòa
Các bị cáo tại Phiên Tòa
    Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát, luật sư và các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự đều giữ nguyên quan điểm đã tranh luận trong phần xét xử trước đó.
 
    Theo đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là do bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín - Trustbank, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) chiếm đoạt số tiền hơn 1.338 tỷ đồng của ngân hàng, thông qua 2 hành vi phạm tội.
 
    Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, trách nhiệm hình sự luôn gắn liền với trách nhiệm dân sự để khắc phục hậu quả vụ án. Do vậy, bị cáo Phấn phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt để bồi thường cho Ngân hàng CB. Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên Hứa Thị Phấn chịu trách nhiệm hình sự với toàn bộ số tiền chiếm đoạt nhưng lại buộc bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn 901 tỷ đồng cho Ngân hàng CB thay bà Phấn là trái pháp luật.
 
    Về kháng cáo giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan và Huỳnh Thị Xuân Dung, Viện kiểm sát cho rằng hình phạt đối với 3 bị cáo là phù hợp và đã có sự nhân đạo của pháp luật bởi hậu quả do các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 3 bị cáo trên.
 
    Tại phiên xử sáng 25/8, luật sư của ông Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh trình bày thêm trong thời gian phiên tòa tạm dừng, luật sư đã thu thập được bản xác nhận của bị án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương - là người đã giới thiệu ông Danh với bà Phấn) liên quan đến việc mua bán cổ phần, chuyển giao tài sản giữa nhóm bà Phấn và nhóm ông Danh.
Sau khi nghị án, chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan và Huỳnh Thị Xuân Dung, giữ nguyên mức án sơ thẩm.
 
    Về trách nhiệm dân sự liên quan đến số tiền 901 tỷ đồng, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, buộc bị cáo Hứa Thị Phấn có trách nhiệm bồi thường 901 tỉ đồng cho Ngân hàng CB, đồng thời Phạm Công Danh và Công ty Tập đoàn Thiên Thanh tiếp tục trả cho bị cáo Hứa Thị Phấn số tiền còn lại theo hợp đồng chuyển giao giữa hai bên.
 
    Về xử lý tài sản, Hội đồng xét xử tuyên công nhận quyền sở hữu 97 bất động sản đang thế chấp cho các khoản vay của Phạm Công Danh tại Ngân hàng CB. Khi Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh hoàn tất nghĩa vụ trả lãi cho các khoản vay thì Ngân hàng CB phải có nghĩa vụ giải chấp 97 bất động sản trên cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, do Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh còn chịu trách nhiệm dân sự khác trong vụ án này cũng như các vụ án khác, vì vậy tiếp tục duy trì lệnh kê biên các bất động sản này và các bất động sản liên quan nhằm đảm bảo nghĩa vụ của Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
 
    Hội đồng xét xử tuyên, bác đề nghị nhận lại 17 bất động sản ở Bình Dương của Phạm Công Danh. Theo Hội đồng xét xử, 17 bất động sản này hiện do Công ty TNHH Tân Đông Hiệp đứng tên, sử dụng và quản lý, không phải của bị cáo Hứa Thị Phấn; 17 bất động sản này nằm trong dự án khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B đã được Thủ tướng phê duyệt. Hội đồng xét xử yêu cầu công ty này trả lại 56,8 tỷ đồng cùng tiền lãi cho Phạm Công Danh, do bị án đã trả tiền gốc của các khoản vay được thế chấp bởi 17 bất động sản này. Sau khi công ty này trả khoản lãi cho khoản vay của Phạm Công Danh thì Ngân hàng CB có nghĩa vụ giải chấp các bất động sản này cho Công ty Tân Đông Hiệp.
 
    Về 6 quyền sử dụng đất ở phường An Phú, Quận 2, theo Hội đồng xét xử, căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng ngày 9/10/2012 không có đề cập đến những tài sản này. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng cho rằng những tài sản này đã được xem xét ở giai đoạn 1 của vụ án Hứa Thị Phấn nên không có căn cứ xem xét và bác kháng cáo đòi nhận lại 6 quyền sử dụng đất này của Phạm Công Danh.
 
    Trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử cũng tuyên giải tỏa kê biên nhiều bất động sản, trong đó có địa chỉ số 10 Lý Tự Trọng, Quận 1 (hiện đang là phòng giao dịch Lý Tự Trọng của Ngân hàng CB), giao cho nguyên đơn dân sự là Ngân hàng CB quản lý.
 
    Có thể nói, kéo dài từ năm 2016 đến nay với nhiều phiên tòa, bản án phúc thẩm vụ án Ngân hàng Đại Tín - giai đoạn 2 được xem như “phần kết” của "đại án" Ngân hàng Đại Tín - Xây dựng.
                                                                              (Theo TTXVN)
.