Bắc Giang: Thông tin chuyên đề "Kiểm soát quyền lực trong giai đoạn hiện nay" đến cán bộ chủ chốt

Thứ Ba, 17/12/2019, 19:26 [GMT+7]
    Ngày 16/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề “Kiểm soát quyền lực trong giai đoạn hiện nay”. Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự và chỉ đạo.
 
    Tham dự có gần 300 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Tỉnh ủy viên; lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố...
 
    Nhà báo, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trực tiếp truyền đạt nội dung chuyên đề; đồng thời thông tin thêm về “Những vấn đề đặt ra đối với Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025”.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Các đại biểu được cung cấp những thông tin cơ bản về cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị đối với Đảng. Theo đó, kiểm soát quyền lực là vấn đề đại sự. Nhiệm kỳ XII, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt ra một cách có hệ thống, toàn diện, mạnh mẽ với quyết tâm rất cao. 
 
    Tiến sĩ Nhị Lê nhấn mạnh: “Đảng cương - Quốc pháp - Lòng dân và Tín nhiệm quốc tế” là 4 phương diện hợp thành công cụ và động lực của cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Việc kiểm soát quyền lực chính trị nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng được kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ của mình được Hiến định theo pháp luật và Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Để kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động  theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng và tại Điều 4, Hiến pháp 2013. Nhân dân giám sát Đảng một cách đa diện: Phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình, gắn bó mật thiết với nhân dân, sự vi phạm pháp luật của tổ chức và đảng viên của Đảng... 
 
    Mặt khác, việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng còn được thực hiện với các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội; của hiệu quả lãnh đạo, lòng tin của nhân dân, uy tín của Đảng trên trường quốc tế.
 
    Bên cạnh đó, Đảng thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của mình thông qua “tự kiểm soát” bằng các nguyên tắc, quy chế, quy định nội bộ, kỷ luật của Đảng, bảo đảm tổ chức và hoạt động của Đảng ở tất cả các cấp và từng đối tượng đảng viên theo Điều lệ Đảng bảo đảm phù hợp với pháp luật. Kiểm soát quyền lực của cán bộ, công tác cán bộ, các tổ chức của Đảng là công việc gốc của kiểm soát quyền lực trong Đảng. Phải kiểm soát được cả trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm giao tới đâu phải kiểm soát đến đó để tránh lộng quyền, buông quyền, tiếm quyền, đạo quyền. 
 
    Từ đầu nhiệm kỳ XII (năm 2016) đến nay, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 80 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; hơn 53.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Vì vậy, muốn chống tiêu cực, chống tham nhũng hiệu quả, phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và tổ chức cán bộ. Chống chạy chức chạy quyền, chống cả họ làm quan. 
 
    Thông qua hội nghị giúp các đại biểu có thêm góc nhìn, cách tiếp cận rộng hơn cả về lý luận và thực tiễn về vấn đề kiểm soát quyền lực, từ đó có những ý kiến đóng góp, quyết sách sát thực tế, vận dụng vào thực tiễn công tác đạt hiệu quả cao, nhất là trong công tác chỉ đạo tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
                                                                                  Văn Bắc
.