Nâng cao công tác dân vận trong hoạt động hòa giải

Thứ Tư, 15/07/2020, 15:10 [GMT+7]
    Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.
 
    Ðồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì và điều hành hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Bí thư Trung ương Ðảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Cùng dự có đồng chí Vũ Ðức Ðam, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và đại biểu ở 63 điểm cầu tại địa phương.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100 nghìn tổ hòa giải cơ sở, 600 nghìn hòa giải viên, gần 900 nghìn vụ, việc được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành công mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ðiều này không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần giữ bình yên, ổn định xã hội, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư. Ðến nay, với Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của Bộ luật Lao động, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Ðất đai, Luật Khiếu nại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng..., hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.
 
    Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác hòa giải ở cơ sở như: Một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp; chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đều, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; công tác hòa giải cơ sở chưa gắn kết với công tác dân vận...
 
    Các đại biểu dự hội nghị đề xuất, kiến nghị một số biện pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở như: Đề nghị Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc triển khai thực hiện; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động. Ban Dân vận các cấp huy động nguồn lực là cán bộ dân vận cơ sở hướng dẫn hòa giải viên về kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải và trực tiếp tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
                                                                                              P.V
.