Thực hành tiết kiệm chống lãng phí đạt kết quả tích cực

Thứ Năm, 23/04/2020, 14:17 [GMT+7]
    Ngày 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.
 
    Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả nước có những chuyển biến tích cực, được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh; Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
 
    Thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
 
    Đáng chú ý, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Năm 2019, ngành Thanh tra đã triển khai hơn 6.600 cuộc thanh tra hành chính, trên 227.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173.400 tỷ đồng, khoảng 22.500 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 84.000 tỷ đồng, thu hồi 897 ha đất...
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; chậm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng kết đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước.
 
    Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
    Báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, ghi nhận công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.
 
    Cụ thể, vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội).
 
    Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Đặc biệt, công tác xử lý khiếu kiện, chống đối trong việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại huyện Mỹ Đức - Hà Nội còn để xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, thiệt hại về tính mạng và tài sản…
 
    Từ phân tích trên, cơ quan thẩm tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
    Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.
 
    Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách.
                                                                                      P.V
.