Phát triển án lệ để thực thi công lý

Thứ Ba, 17/12/2019, 12:03 [GMT+7]
    Trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện đến tòa án ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng về loại hình tranh chấp trong khi thực trạng pháp luật còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, một số vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể, yêu cầu đặt ra đối với công tác phát triển án lệ càng trở nên cấp thiết.
 
    Nhằm áp dụng thống nhất pháp luật; bảo đảm công bằng, công lý; tăng cường tính minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của tòa án, ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Trên cơ sở nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 29 án lệ đa dạng về các lĩnh vực, bao gồm: dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hình sự, hành chính, tố tụng.
 
Hội đồng Thẩm phán thông qua án lệ
Hội đồng Thẩm phán thông qua án lệ
    Đến nay, sau hơn 3 năm thi hành, thực hiện Nghị quyết số 03/2015/ NQ- HĐTP, án lệ đã từng bước đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực. Các án lệ được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân đặc biệt là giới luật sư, nhà khoa học và những người làm công tác pháp luật. Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 29 bản án lệ trên cơ sở Nghị quyết số 03. Theo số liệu thống kê đến ngày 02/12/2019, đã có 602 bản án, quyết định của các tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ. Nhìn chung, các bản án, quyết định có viện dẫn án lệ đã nêu được số án lệ; số bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; phân tích, làm rõ tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết, tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý trong án lệ làm căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng án lệ.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; một trong những bất cập là chưa có quy trình thông qua án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với những quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thống nhất lựa chọn phát triển thành án lệ, tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm; đồng thời, quy trình “hủy bỏ, thay thế án lệ” chưa thực sự phù hợp; một số hướng dẫn của nghị quyết còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng; bên cạnh đó, quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ còn rườm rà, phức tạp, chưa hiệu quả; mặt khác, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của tòa án dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất.
 
    Viện dẫn án lệ sẽ giúp cho toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; khắc phục tình trạng nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất và vận dụng khác nhau; tham khảo án lệ sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết, xét xử những vụ án có cùng tính chất; việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc tương tự có liên quan đến quyền và lợi ích của họ; áp dụng án lệ trong xét xử chắc chắn sẽ có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai; về mặt xã hội, việc xây dựng và phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo đảm công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của tòa án.
 
    Trong công tác phát triển án lệ, hiện mới chỉ có một số ít các tòa án, đơn vị gửi đề xuất án lệ, còn phần lớn chưa tham gia vào công tác đề xuất án lệ. Các Thẩm phán khi soạn thảo bản án, quyết định chưa hướng đến việc khái quát tình huống pháp lý giải pháp pháp lý có thể áp dụng cho các vụ việc có tính chất tương tự. Vì vậy, trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện đến tòa án ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng về loại hình tranh chấp trong khi thực trạng pháp luật còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, một số vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể, yêu cầu đặt ra đối với công tác phát triển án lệ càng trở nên cấp thiết.
 
    Đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, mục đích của hệ thống án lệ là để lấp đầy các khoảng trống về mặt pháp lý, bảo đảm sự minh bạch và công lý sẽ được thực thi. Do vậy, để công tác phát triển án lệ được đa dạng, sát thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức, không phân biệt trong hay ngoài tòa án, trực tiếp làm công tác pháp luật hay không làm công tác pháp luật đều có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. Và một trong những điều kiện để bản án trở thành án lệ, chất lượng bản án phải tốt. Theo đó, muốn có bản án tốt, trước tiên cần chú trọng đào tạo nâng cao năng lực viết bản án cho các thẩm phán.
                                                                                 Bảo Hân
                                                              (Báo Người đại biểu nhân dân)
.