Thừa Thiên Huế: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị

Chủ Nhật, 27/10/2019, 06:39 [GMT+7]
    Ngay sau khi Bộ chính Trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tổ chức quán triệt, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành các tổ chức triển khai thực hiện; trong đó, chú trọng lãnh đạo công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; trực tiếp tổ chức 02 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác cải cách hành chính tại địa bàn thị xã Hương Thủy và Sở Nội vụ; chỉ đạo tổ chức 27 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác cải cách tư pháp tại 21 cơ quan, đơn vị, địa phương; qua các cuộc kiểm tra, giám sát đã đánh giá được những ưu điểm và tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp nhằm thực hiện tốt việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực hành chính, tư pháp.
 
Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế
Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế
    Thông qua Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh để theo dõi, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thi hành pháp luật về lĩnh vực hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; việc đổi mới công tác điều tra, truy tố, xét xử; công tác tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
 
    Hội đồng nhân dân và UBND các cấp đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; đồng thời chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn nghiệp vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cáp huyện, cấp xã, bảo đảm đúng pháp luật.
 
    Cấp ủy các cấp, các ngành đã nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp  luật; làm tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản nhằm bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật ban hành phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn của địa phương.
 
    Trong những năm qua, bộ máy thi hành pháp luật ngày càng được củng cố và hoàn thiện; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành; chú trọng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng từng bước tăng quyền, nâng cao tính độc lập, chủ động và trách nhiệm trước pháp luật cho cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán theo đúng quy định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án với các cơ quan liên quan trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện tốt; chú trọng công tác phối hợp trong việc phát hiện vi phạm, tội phạm, việc xử lý tin báo, tố giác về tội phạm.
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động bổ trợ tư pháp; ban hành và tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch về phát triển đội ngũ luật sư; tăng cường  hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư tỉnh và các tổ chức hành nghề luật sư. Thành lập Hội đồng công chứng viên của tỉnh; tổ chức bộ máy và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng được kiện toàn theo quy định của Luật Công chứng năm 2014; xây dựng các giải pháp hiệu quả phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử.
 
    Sở Tư pháp thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và huyện. Hoạt động của các trung tâm đã khẳng định được chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, hợp lòng dân, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác, mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế, đưa pháp luật đến với người dân.
Cù Tất Dũng
.