An Giang: Tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Thứ Sáu, 11/10/2019, 06:12 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 01-KL/TW ngày 04-4-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW cho 2.305 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đề ra; xem việc thực hiện Nghị quyết là một trong những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân; duy trì trật tự an toàn xã hội. 
 
Hội nghị đóng góp dự thảo văn bản của các ngành
Hội nghị đóng góp dự thảo văn bản của các ngành
    Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp có chuyển biến tích cực, thể chế hóa đầy đủ các văn bản của Trung ương và Tỉnh ủy. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành 7.000 văn bản gồm: 5.025 nghị quyết, 1.703 quyết định, 272 chỉ thị; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên về số lượng, nội dung văn bản được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và bám sát định hướng chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh cơ bản các mối quan hệ xã hội; phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
    Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan nhiều đối tượng, thuộc lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và được tổ chức thẩm định, khảo sát thực tế ngay từ khi dự thảo; các báo cáo thẩm định cơ bản đạt chất lượng. Nhiều ý kiến của cơ quan thẩm định được đánh giá cao, góp phần ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề không khả thi hoặc có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản. 
 
    Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm, tổ chức triển khai, đôn đốc và khuyến khích xây dựng mô hình tuyền truyền pháp luật với đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, như: Tổ chức 41.755 đợt tuyên truyền miệng với 2.685.325 lượt người tham dự; Báo An Giang đã xây dựng chuyên mục trong mỗi số như: “Tìm hiểu pháp luật”, “Vấn đề bạn đọc quan tâm”, “Giải đáp pháp luật”, “Trả lời bạn đọc”…
 
    Nhìn chung, các cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và đạt được nhiều kết quả tích cực, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội được bảo đảm; công tác tổ chức thi hành pháp luật luôn được chú trọng; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được nâng lên; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Để đạt được những kết quả nêu trên, An Giang rút ra một số kinh nghiệm cụ thể như sau: (1) Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, của các cấp uỷ địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW cần phải thường xuyên để giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết và phải được thực hiện song song với chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp; (2) Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, tránh chồng chéo, sai sót nhằm bảo đảm tính khả thi, ổn định; (3) Sự chủ động tham mưu kịp thời và đầy đủ của cơ quan chuyên môn, người đứng đầu cơ quan chuyên môn trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có vai trò rất quan trọng, bởi việc sớm tiếp cận và nắm vững hệ thống văn bản liên quan đến ngành, lĩnh vực mình mới thấy được những vấn đề phát sinh, từ đó tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, thống nhất và đồng bộ; (4) Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động tìm tòi, học hỏi, rà soát, cập nhật các quy định pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và không ngừng trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm về công tác này; (5) Thường xuyên thực hiện tốt việc rà soát, tự rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bãi bỏ những văn bản hết hiệu lực, không còn phù hợp thực tiễn hoặc kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định pháp luật chồng chéo, lạc hậu để thống nhất trong nhận thức và áp dụng; (6) Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cả về chuyên môn, pháp luật, lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
                                                                Phan Xuân Qúy
(Ban Nội chính Tỉnh uỷ An Giang)
.