Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013

Thứ Năm, 13/06/2019, 13:57 [GMT+7]
    Ngày 11-6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo "Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013". Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam...
 
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tham luận: Những điểm mới cơ bản của Điều 9 Hiến pháp năm 2013 - Nhận thức và thực hiện sau 05 năm thi hành Hiến pháp; Quan hệ giữa Nhà nước với MTTQ Việt Nam theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; Việc triển khai thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Kiểm soát quyền lực nhà nước và vai trò của MTTQ Việt Nam trong kiểm soát quyền lực nhà nước...
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Trong 05 năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành ủy đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013, nhất là quy định tại Điều 9, Điều 10 và các quy định khác có liên quan đến quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác MTTQ Việt Nam các cấp. Đã trình Quốc hội thông qua Luật MTTQ Việt Nam; tham gia với các cơ quan nhà nước xây dựng, trình Quốc hội nhiều đạo luật để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 như: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ; Luật trưng cầu ý dân... Ở Trung ương, MTTQ Việt Nam đã có 46 tổ chức thành viên, không ngừng mở rộng về tổ chức, đa dạng hóa các loại hình hoạt động, tập hợp và phát triển thêm nhiều hội viên, đoàn viên. 
 
    Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân định kỳ 3 tháng/1 lần gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan; chủ động tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương để giải quyết. Trong công tác tiếp dân, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quan tâm, tiếp nhận được 22.067 đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh và đã xem xét, chuyển 3502 đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và giới thiệu hội thẩm nhân dân; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Thực hiện hoạt động giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai 12 chương trình giám sát cấp Trung ương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc. Thực hiện hoạt động phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 82.865 cuộc phản biện xã hội, tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình trong quá trình xây dựng các chính sách, quy định của địa phương...
 
    Bên cạnh những kết quả nêu trên, còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013 như: Việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về MTTQ còn chậm, nhất là các quy định liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; công tác tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thi hành Hiến pháp liên quan đến MTTQ Việt Nam ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng đến cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân. Công tác giám sát, phản biện xã hội thực hiện ở một số nơi còn chậm, chưa chủ động, còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, nể nang, hình thức, chất lượng kiến nghị giám sát, phản biện còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số nơi, cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm, xem nhẹ công tác Mặt trận nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa thật sự phù hợp. Công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt liên quan đến tổ chức Mặt trận hoặc bố trí cán bộ chưa phù hợp, cá biệt có nơi còn giới thiệu cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thậm chí bị kỷ luật về làm công tác Mặt trận. Việc thực hiện các quy chế phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan ở nhiều nơi còn chưa tốt...
 
    Góp ý tại hội thảo, ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013; xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; tổng kết các Quy chế phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp năm 2013; xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên môn, chuyên trách đủ mạnh để thực hiện tốt vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
.