Cần chú trọng công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Ba, 28/05/2019, 15:30 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa có Báo cáo số 126/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2018. Theo đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác tự kiểm tra văn bản; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
 
    Thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền năm 2018, các bộ, cơ quan ngang bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã kiểm tra 19.477 văn bản. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm tra được 7.979 văn bản, các địa phương kiểm tra được 11.498 văn bản. Qua công tác kiểm tra, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 317 VBQPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, giảm gần 50% so với năm 2017. Cụ thể, năm 2017 đã phát hiện 1.236 VBQPPL trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ số 109/NQ-CP ngày 23.8.2018, một số bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã đính chính số liệu, nên số văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung trên toàn quốc chỉ còn 731 văn bản. Trong đó, bao gồm 17 VBQPPL của cơ quan cấp bộ; 59 VBQPPL của chính quyền địa phương cấp tỉnh; 241 văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã); 160 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL.
 
Một cuộc họp của Bộ Tư pháp
Một cuộc họp của Bộ Tư pháp
    Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương còn phát hiện 1.641 VBQPPL sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản (535 VBQPPL của các bộ, 1.106 VBQPPL của địa phương). Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã xử lý được 232/317 VBQPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (đạt 73% tổng số VBQPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã được phát hiện), còn 85 VBQPPL đang được xử lý.
 
    Riêng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 5.557 văn bản; phát hiện và đã kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HÐND và UBND cấp tỉnh). Trong số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền do Bộ Tư pháp phát hiện trong năm 2018, tính đến nay, đã có 65/84 văn bản đã được xử lý. Ngoài ra, trên cơ sở theo dõi, đôn đốc của Cục Kiểm tra văn bản, có 77 văn bản của các cơ quan cấp bộ và địa phương được Cục kết luận, kiến nghị xử lý trước năm 2018 đã được xử lý trong năm 2018.
 
    Bộ Tư pháp nhận thấy nhiều cơ quan đã quan tâm tự kiểm tra, rà soát văn bản do mình ban hành và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan với bộ phận pháp chế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai sót ngay từ khâu xây dựng văn bản. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc phát hiện một số văn bản trái pháp luật còn chưa kịp thời hoặc xử lý không đúng hình thức theo quy định. Việc xác định hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra còn gặp nhiều khó khăn. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở công chức khi thi hành công vụ.
 
    Từ thực tế này, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác tự kiểm tra các VBQPPL ngay sau khi ban hành; đồng thời xử lý nhanh, triệt để, đúng quy định các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện thuộc thẩm quyền và thông tin kết quả xử lý về Bộ Tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc việc xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với công chức, đơn vị có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
                                                                                  Thu Hương
.