Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về công tác thẩm định dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội

Thứ Năm, 25/04/2019, 14:49 [GMT+7]

Ngày 24-4, tại Hà Nội, thực hiện Chương trình giám sát năm 2019, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về "Công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội". Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì Phiên họp.

Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp

Thẩm định là một khâu quan trọng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của dự án, dự thảo, tính tương thích với điều ước quốc tế và tính khả thi, phù hợp trên thực tế. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định; cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và gửi báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định kèm theo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Thời gian qua, công tác thẩm định đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn tồn tại nhiều hạn chế: Hồ sơ một số dự án, dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định còn chậm; hồ sơ thẩm định chưa đầy đủ, chất lượng chưa đáp ứng theo yêu cầu của Luật. Sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan còn hạn chế. Chất lượng ý kiến thẩm định còn một số hạn chế, chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể về các nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp còn có trường hợp hình thức, ý kiến giải trình chưa thuyết phục hoặc thể hiện quan điểm bảo lưu cứng nhắc, chưa tạo sự đồng thuận đối với các vấn đề còn có sự khác biệt... Nguyên nhân cơ bản là nguồn lực dành cho công tác xây dựng pháp luật nói chung, thẩm định dự án, dự thảo nói riêng còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thẩm định còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình thẩm định các dự án, dự thảo còn hạn chế. Thiếu sự sâu sát của lãnh đạo một số cơ quan chủ trì soạn thảo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp...

Tại Phiên họp, một số ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ thời gian cơ quan chủ trì soạn thảo trình dự án, dự thảo trước Phiên họp Chính phủ; xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, tiếp thu ý kiến thẩm định. Ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực làm công tác thẩm định; chú ý công tác giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đảm bảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có chất lượng; loại bỏ tư tưởng nể nang, kiên quyết từ chối không thẩm định dự án không đủ điều kiện thẩm định hoặc không đồng ý trình Chính phủ đối với những dự thảo không đủ điều kiện trình Chính phủ.

Phương Thảo

.