Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Sáu, 11/01/2019, 14:39 [GMT+7]
    Ngày 10-01, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành Phiên họp thứ 30 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
 
    Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi).
 
    Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam. Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định của dự thảo Luật, nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động; trách nhiệm quản lý phạm nhân... Loại ý kiến thứ hai, không tán thành quy định của Dự thảo Luật vì cho rằng, nếu tổ chức “Khu sản xuất”, “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.
 
    Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng... Những năm qua, số người phải chấp hành án tù tại các trại giam ngày càng tăng. Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở giam giữ, nhưng đến nay cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều trại giam thiếu diện tích đất, thiếu mặt bằng để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tạo việc làm cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam là rất lớn, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân...
 
    Theo báo cáo, tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được thành lập “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thành lập các “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam. Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 01 phạm nhân bỏ trốn.
 
    Từ những phân tích trên, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập Khu sản xuất, Điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
 
    Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
 
    Đồng thời phải quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.
 
    Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về sự đồng ý của phạm nhân ra ngoài lao động, để phù hợp với tinh thần Công ước số 29 của ILO như kiến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
    Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Tư pháp. Theo đó, cơ bản nhất trí với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam nhưng cần có các quy định chặt chẽ như về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt nào, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án... để xét đưa đi lao động ngoài trại giam; bổ sung các quy định về việc hưởng thành quả lao động, sự đồng ý của phạm nhân cũng như bảo đảm các công ước quốc tế về lao động.
 
    Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
 
    Việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Xã Thường Thới Tiền hiện là trung tâm huyện lỵ của huyện Hồng Ngự với tiềm năng và vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ cấp quốc gia và quốc tế, khu vực đô thị xã Thường Thới Tiền cũng là đô thị trung tâm huyện Hồng Ngự. Xã Thường Phước 2 là xã thuần nông nhưng có một phần đất tiếp giáp khu hành chính huyện Hồng Ngự (thuộc xã Thường Thới Tiền).
 
    Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đối chiếu với các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền thị trấn, phát huy vai trò là đô thị trung tâm của huyện Hồng Ngự, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch được phê duyệt.
 
    Sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương gồm sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Kênh Giang với toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Văn Đức.
 
    Sáu phường thuộc thị xã Chí Linh được thành lập gồm thành lập phường Hoàng Tiến thuộc thị xã Chí Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hoàng Tiến; thành lập phường An Lạc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã An Lạc; thành lập phường Đồng Lạc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đồng Lạc; thành lập phường Tân Dân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Dân; thành lập phường Cổ Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Thành; thành lập phường Văn Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Văn Đức (sau khi đã sáp nhập xã Kênh Giang vào Văn Đức); thành lập thành phố Chí Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị xã Chí Linh.
 
    Sau khi sáp nhập hai xã, thành lập sáu phường và thành lập thành phố Chí Linh, thành phố Chí Linh có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 5 xã. Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 2 thành phố; 264 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 220 xã, 31 phường và 13 thị trấn.
                                                                                 Vũ Khuyên
.