Tập huấn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ

Thứ Sáu, 21/09/2018, 15:47 [GMT+7]
    Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ và kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội nghị.
 
    Tham dự có các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Nguyễn Huy Tiến, Nguyễn Văn Quảng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lãnh đạo, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp trong toàn Ngành. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, nối từ điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao tới các điểm cầu trong toàn Ngành.
 
Đại biểu tham dự hội nghị
Đại biểu tham dự hội nghị
    Tại Hội nghị, đại biểu tham luận về một số nội dung của Bộ luật hình sự về các tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục tố tụng để giải quyết; một số kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ; khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
 
    Tham luận về vi phạm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đồng chí Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam vẫn đang diễn ra rất phức tạp và ngày càng tinh vi hơn. Đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, bao gồm người Việt Nam và cả người nước ngoài, hoạt động trong quốc gia hoặc xuyên quốc gia với xu hướng sử dụng công nghệ cao. Đồng chí giới thiệu một số hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng như: Hành vi cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng; hành vi cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật; tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng; hành vi cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật... Đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
 
    Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận về kinh nghiệm, bài học rút ra qua các vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và kinh nghiệm trong việc xác định thiệt hại hoặc hậu quả xảy ra, công tác giám định, định giá tài sản gắn với việc quán triệt Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13-12-2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Đây là những vụ án lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại và để lại hệ lụy rất lớn; các bị cáo đều đã từng giữ chức vụ cao. Đồng chí Phó Viện trưởng nêu ra một số bài học kinh nghiệm thông qua việc xử lý các vụ án như: Nghiên cứu phân tích các tài liệu ban đầu thu thập được một cách tổng thể, chọn điểm đột phá để mở án, không làm dàn trải, mông lung không có điểm dừng, rõ đến đâu xử lý đến đó, không kéo dài, làm dứt điểm, quyết liệt đáp ứng yêu cầu tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng; phải thu thập và nghiên cứu căn cứ pháp luật thật kỹ, phải nắm chắc các quy định; những chứng cứ được thu thập theo trình tự, thủ tục do Luật Tố tụng hình sự quy định mới có giá trị pháp lý và được dùng làm căn cứ giải quyết vụ án; yêu cầu điều tra và họp trao đổi án; vấn đề giám định và định giá tài sản…
 
    Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ; góp phần thực hiện chủ trương chính sách của Đảng về đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững và ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị đại biểu tham dự hội nghị tiếp tục trao đổi, thảo luận, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng.
 
    Đối với công tác tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường nêu rõ, việc nâng cao năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách tư pháp của toàn Ngành. Bên cạnh việc thể hiện rất tốt vai trò thực hành quyền công tố tại phiên tòa, nhất là giai đoạn tranh tụng, việc tranh luận với luật sư và bị cáo phải có sức thuyết phục, không né tránh, ngại tranh luận. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự góp phần chống oan sai, bỏ lọt tội phạm giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần bảo đảm quyền con người và đặc biệt là quyền của người bị buộc tội.
 
    Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tin tưởng thông qua việc tập huấn kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa hình sự, Kiểm sát viên trong toàn Ngành sẽ có thêm kỹ năng, phương pháp tranh tụng hiệu quả để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
                                                                       Trường Giang
                                                                  (Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
.