Trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017

Thứ Sáu, 15/06/2018, 17:32 [GMT+7]
    Chiều 14-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017.
 
    Tham dự và trao Giải có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan báo chí, xuất bản và các tác giả, nhóm tác giả giành Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017.
 
    Đây là lần thứ tư Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí và sách xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động thông tin đối ngoại; tạo động lực cho phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan xuất bản tích cực tham gia tuyên truyền đối ngoại; tăng cường kết nối, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
  
Các đồng chí:Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao giải cho các tác phẩm đạt giải Nhì
Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao giải cho các tác phẩm đạt giải Nhì
    Ban Tổ chức đã nhận được 970 tác phẩm dự thi, tăng gần 9% so với năm 2016; trong đó, 931 tác phẩm đạt yêu cầu dự thi với 15 ngôn ngữ gồm: Tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bulgaria, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Khmer, Slovakia, Đức, Thái Lan.
 
    Theo đánh giá chung của Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự giải năm nay có chất lượng chuyên môn tốt, đáp ứng được tính thời sự, tính đối ngoại; có tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam đến nhân dân thế giới; đề cập đến toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; những sự kiến lớn trong năm 2017. Các tác phẩm thông tin chính xác, kịp thời và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.
 
    Điểm nổi bật là nhiều tác phẩm dự thi được đăng tải trên các báo, tạp chí nước ngoài uy tín, tính lan tỏa của thông tin đến với độc giả cao; góp phần tăng cường hiệu quả tuyên truyền đến đông đảo bạn bè quốc tế. Các tác phẩm dự thi có hình thức thể hiện đa dạng, sinh động. 
 
    Đối tượng tham gia gồm các nhà báo, cộng tác viên của cơ quan báo chí trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà xuất bản, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam.
 
    Ngoài các cơ quan thông tấn báo chí đối ngoại chủ lực, Giải thưởng còn nhận được sự tham gia của 115 cơ quan báo chí xuất bản ở các đơn vị địa phương. Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, còn có sự tham gia của các kiều bào Việt Nam, bạn bè quốc tế; đặc biệt là 22 tác giả đến từ các nước Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Cuba , Bulgaria, Slovakia, Ấn Độ, Pháp, Đức...
 
    Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, với tinh thần trách nhiệm, công tâm và nghiêm túc, Ban Tổ chức đã chọn 67 tác phẩm để trao 7 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 27 giải Khuyến khích cho các loại hình: Báo in, báo điện tử tiếng Việt; báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài; phát thanh; truyền hình; ảnh và sách.
 
    Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương các tập thể, cá nhân đã nỗ lực triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại trong năm qua. Từ những kết quả, nỗ lực đó, 67 tác phẩm của các tác giả đã được lựa chọn và vinh danh tại Lễ trao giải lần này.
 
    Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Giải thưởng có tác dụng tăng cường sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa các cơ quan đơn vị địa phương, vừa góp phần tạo động lực cho phóng viên, biên tập viên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan xuất bản. Thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 cho thấy uy tín của Giải ngày càng nâng cao và khẳng định vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 
 
    Trong những thành công chung của công tác đối ngoại năm 2017, cùng với thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, công tác thông tin đối ngoại, trong đó có việc tổ chức thành công Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 đã góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, mến khách, ổn định, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là thành viên năng động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực. Công tác thông tin đối ngoại đã góp phần tạo sự tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; tạo sức mạnh tổng hợp khẳng định uy tín vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
    Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, công tác thông tin đối ngoại, trong đó có Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; bám sát tình hình quốc tế và trong nước phục vụ tốt cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại, thông qua Giải thưởng cần tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, cách tiếp cận các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng người nước ngoài, địa bàn nước ngoài với đặc điểm văn hóa, tập quán, phong tục riêng, theo phương châm: “Chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp từng đối tượng”. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài, nhất là các thông tin về kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, chủ trương, chính sách, hoạt động thông tin đối ngoại; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Cùng với đó, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đối ngoại của Việt Nam trong quảng bá hình ảnh của đất nước, xúc tiến du lịch, đầu tư, tranh thủ tốt hơn đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người bạn nước ngoài ở Việt Nam trong việc triển khai thông tin đối ngoại; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng triển khai công tác thông tin đối ngoại; nghiên cứu mở rộng các loại hình khác của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại để phát huy uy tín của Giải.
Đ.P
;
.