Hội thảo góp ý một số nội dung trong Luật đất đai (sửa đổi) 2013

Thứ Hai, 11/06/2018, 16:41 [GMT+7]

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý để thảo luận về nội dung người sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận (GCN), chế độ sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2013. Các đại biểu đến từ cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao… tham dự hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Báo cáo đề dẫn thảo luận về nội dung đăng ký đất đai, cấp GCN, chế độ sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai. Theo đó, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCN lần đầu cho 96,9% diện tích cần cấp; đã có 132/713 đơn vị cấp huyện xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính. Việc thực hiện các quyền cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu về đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, việc cấp GCN đối với phần diện tích đất chưa cấp còn lại gặp nhiều khó khăn; quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng; việc sử dụng đất để phát triển các cơ sở thờ tự của tôn giáo chưa được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật; thực tiễn phát sinh việc phát triển kinh doanh các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng có chức năng hỗn hợp áp dụng rất khác nhau; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích…

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Người sử dụng đất và trường hợp nhận quyền sử dụng đất; về thẩm quyền cấp GCN; đính chính, thu hồi GCN đã cấp; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất; việc góp đất, điều chỉnh đất đai để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn; về giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, có ý kiến cho rằng, hiện nay Luật nhà ở có quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc mua, thuê mua, nhận, tặng, cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, trong đó có cả nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, do vậy Luật đất đai cần bổ sung các đối tượng nêu trên để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng quy định về người sử dụng đất và trường hợp nhận quyền sử dụng đất. Có ý kiến đề nghị quy định một chế độ sử dụng đất riêng cho cơ sở lưu trú du lịch. Về hạn mức sử dụng đất, một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối vì quy mô này phù hợp với năng lực sản xuất của hộ gia đình, cá nhân. Ý kiến khác cho rằng, không nên quy định hạn mức để các hộ gia đình, cá nhân có khả năng thực hiện tích tụ đất đai theo nhu cầu để sản xuất tập trung quy mô lớn…

Nguyễn Phương Thảo

;
.