Đẩy mạnh hiệu quả trong công tác thi hành án

Thứ Hai, 23/04/2018, 16:38 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2018. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.
 
    Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng (từ 1/10/2017-31/3/2018), các cơ quan Thi hành án dân sự thi hành xong số việc cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: Về việc: Tổng số phải thi hành là 629.944 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 459.511 việc, chiếm 72,94%. Thi hành xong 241.770 việc, đạt tỉ lệ 52,61%. Về tiền: Tổng số phải thi hành là trên 158.522 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 92.522 tỷ đồng, chiếm 58,37%. Thi hành xong trên 12.072 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13.05%. Có 247 bản án, quyết định thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan Thi hành án dân sự. Đã thi hành xong 145 việc, còn 102 việc chưa thi hành xong…
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Tuy nhiên, kết quả thi hành án dân sự về tiền đạt thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017; lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ; số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật vẫn còn tương đối nhiều; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao…
 
    Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho rằng, thời gian qua, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn, nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn.
 
    Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện. Cá nhân phần lớn sử dụng tiền mặt khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.
 
    Trong giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự kê biên thường có khiếu nại, khởi kiện tranh chấp tài sản hoặc bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không có người mua. 
 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh trong 6 tháng tới, dự báo nhiều khó khăn do khối lượng công việc tiếp tục nhiều lên, Thứ trưởng yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác đã đề ra.
 
    Tập trung giải quyết các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa kê biên được; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong vụ án kinh tế lớn, án tín dụng, ngân hàng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải sâu sát, sáng tạo, linh hoạt; siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự; tập trung giải quyết vụ việc trọng điểm kéo dài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý kịp thời thông tin báo chí phản ánh…
                                                                                   Thu Hương
                                                                                  (Bộ Tư pháp)
;
.