Nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc

Thứ Sáu, 02/02/2018, 13:55 [GMT+7]
    Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, thiết thực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác giám sát, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
 
    Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trong năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 361/KH-MTTW-BTT ngày 31-3-2017 về giám sát việc công khai kết luận thanh tra; phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại năm tỉnh và năm bộ, ngành. Việc giám sát nhằm đánh giá những kết quả và hạn chế của việc công khai kết luận thanh tra trong thời gian qua, kiến nghị những giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhân dân và các cơ quan truyền thông giám sát được việc thanh tra và thực hiện các kết luận thanh tra.
 
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII
    Những đồng chí phụ trách các đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam cho biết, qua giám sát cho thấy, việc công khai kết luận thanh tra tại các cơ quan, địa phương có một số ưu điểm. Đó là, cơ chế, pháp luật về thanh tra hiện hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các bộ, ngành, địa phương cơ bản nhận thức rõ việc công khai kết luận thanh tra là một trong những yếu tố quan trọng của nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
 
    Việc công khai kết luận thanh tra, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng là kênh cung cấp thông tin rất quan trọng đến người dân về những hạn chế, yếu kém, vi phạm của tổ chức, cá nhân để người dân giám sát việc thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, từ đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Tuy nhiên, việc công khai kết luận thanh tra vẫn còn một số hạn chế, như: Một số cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc các hình thức công khai bắt buộc; việc công khai theo hình thức lựa chọn còn mang tính hình thức, chưa thực chất; văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra của Chính phủ còn một số điểm chưa rõ ràng, chưa phù hợp thực tiễn; chưa có cơ chế giám sát cụ thể trong công khai kết luận thanh tra cho nên việc thực hiện còn hạn chế...
 
    Hiện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tập trung triển khai giám sát nhằm nâng cao hiệu quả một lĩnh vực rất phức tạp, đó là giám sát kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Khi một số cơ quan báo chí phản ánh, tại Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu) có một số cán bộ sai phạm trong quản lý dẫn đến mất cân đối kinh phí hoạt động, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gây mất đoàn kết nội bộ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương thực hiện giám sát; đồng thời có công văn đề nghị Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc.
 
    Đến nay, vụ việc đã được giải quyết một số nội dung, như: Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định tạm thời chuyển đổi vị trí công tác đối với Giám đốc Trung tâm; Sở Tài nguyên và Môi trường có tờ trình UBND tỉnh xin tạm ứng ngân sách tỉnh để giải quyết tiền lương, tiền công; giải quyết một số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho viên chức, người lao động…
 
    Tại Thành phố Đà Nẵng, cuối năm 2016, công trình nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, trên địa bàn quận Thanh Khê được khởi công xây dựng. Tháng 4-2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê đã thành lập Đoàn giám sát để nắm bắt tình hình. Trong lúc đang triển khai dự án giai đoạn 2 và giai đoạn 3, nhiều người dân và các thành viên đoàn giám sát đã phản ánh về tình hình phân luồng giao thông tại nơi thi công. Theo đó, nhiều người vẫn tham gia giao thông ngược chiều không theo phân luồng dẫn đến không bảo đảm an toàn giao thông và an toàn lao động trong quá trình thi công. Mặt khác, việc rào chắn ở tuyến Điện Biên Phủ để thi công làm cho việc lưu thông bị gián đoạn và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều hộ gia đình.
 
    Ngay sau khi nhận được phản ánh, Đoàn giám sát đã kiểm tra, có công văn đề nghị quận Thanh Khê tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông theo phân luồng. Đồng thời rà soát, đề xuất thời gian và mức hỗ trợ cụ thể cho 23 trường hợp kinh doanh trên đoạn đường Lê Độ do ảnh hưởng của rào chắn nút giao thông. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, Đinh Viết Hồng Lễ cho biết: Qua giám sát, MTTQ quận đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gửi đến UBND quận và thành phố. Rất vui là hầu hết các ý kiến đã được giải quyết kịp thời.
 
    Nhìn chung, tại các địa phương, hoạt động giám sát được MTTQ các cấp quan tâm triển khai và thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhìn nhận: Việc MTTQ tham gia giám sát để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), góp phần xây dựng chính quyền là một trong những công việc trọng tâm, xuyên suốt. Các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng ở tất cả 156 xã, phường, thị trấn cùng MTTQ địa phương giám sát những hoạt động của cấp chính quyền cơ sở, chú trọng vào việc đầu tư xây dựng các công trình, việc đóng góp ý kiến với cán bộ ở địa phương.
 
    Từ việc cụ thể trong dân, trong điều hành của chính quyền đều được nhân dân giám sát, phản biện không chỉ qua những buổi tiếp xúc cử tri mà qua phản ánh hằng ngày, hằng tuần từ các ban thanh tra. Đã có 824 công trình xây dựng phúc lợi xã hội được 2.190 thành viên Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng theo sát quá trình triển khai; 1.802 vụ việc cụ thể trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, 138 vụ việc xử lý sai sót của cơ quan đơn vị được Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát, kiến nghị xử lý.
 
    Tuy nhiên, hoạt động giám sát của MTTQ các cấp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ở nhiều nơi, nhận thức về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong các cấp, ngành và nhân dân còn khác nhau cho nên trong thực hiện còn vướng mắc, một số nơi chưa làm tốt. Việc phối hợp với các cơ quan liên quan khi triển khai một số chương trình giám sát vẫn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý, việc theo dõi, thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn. Đối với hoạt động phản biện xã hội, MTTQ các cấp chưa phát huy một cách hiệu quả sức mạnh của các tổ chức thành viên; việc thực hiện nhiệm vụ ở một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng phản biện chưa có sức thuyết phục cao…
 
    Qua tìm hiểu thực tế các hoạt động giám sát, được biết trong một năm, có địa phương phải đón tiếp gần 30 đoàn kiểm tra, giám sát với rất nhiều yêu cầu về kiểm tra, báo cáo, thực tế. Vì vậy, khi MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiến hành giám sát đã gặp những khó khăn nhất định, gây áp lực và quá tải cho đơn vị, địa phương là đối tượng được giám sát, hoạt động giám sát ở cấp quận, huyện, xã, phường còn yếu; có nơi rất lúng túng trong việc xác định nội dung, lĩnh vực trọng tâm.
 
    Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần rà soát, đánh giá lại kết quả các chương trình phối hợp giám sát, qua đó lựa chọn triển khai một số nội dung giám sát thật sự thiết thực, thu hút sự quan tâm hoặc gây bức xúc trong nhân dân; tăng cường giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở ý kiến của người dân, doanh nghiệp liên quan đến chủ trương, chính sách lớn; tổ chức tập huấn sâu rộng về kỹ năng giám sát cho cán bộ Mặt trận các cấp; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giám sát của MTTQ các địa phương.
 
    Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường các hoạt động phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm triển khai các hoạt động giám sát tập trung vào một số lĩnh vực, như: cải cách thủ tục hành chính; xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Công tác giám sát cần được triển khai tập trung nhằm phát huy vai trò giám sát, quyền làm chủ của nhân dân, huy động sức dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
P.V
;
.