Một số mô hình điển hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam mang lại hiệu quả thiết thực

Thứ Năm, 09/11/2017, 15:28 [GMT+7]
    Ngày Pháp luật đã chính thức được thể chế hóa trong Điều 8 Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013, cụ thể: “Ngày 09-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
 
Các đại biểu Hội Luật gia Việt Nam dự Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật
Các đại biểu Hội Luật gia Việt Nam dự Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật
    Sau 4 năm thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, phong phú với cách làm sáng tạo để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. 
 
    Một là, mô hình tổ chức thi tìm hiểu pháp luật (thi viết, sân khấu hóa hoặc thi trực tuyến...) như: Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013, Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự; về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cải cách hành chính; các hội thi: Hòa giải viên giỏi toàn quốc, chấp hành viên giỏi, kiểm sát viên giỏi, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi… Mô hình này được hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước áp dụng, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, mang lại nhiều hiệu ứng xã hội rất tích cực. Đặc biệt, trong những năm gần đây nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên điện thoại, các phần mềm ứng dụng, Cổng thông tin,Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã được thực hiện, thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ và các tầng lớp nhân dân như: cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông; thi tìm hiểu Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và một số văn bản luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp…
 
    Hai là, mô hình tổ chức Ngày hội pháp luật; ngày hội an toàn giao thông; ngày tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí. Thông qua mô hình này, người dân, nhất là người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp và các đối tượng đặc thù, yếu thế được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp về những vụ việc, vướng mắc pháp luật, được hỗ trợ, giúp đỡ bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể.
 
    Ba là, mô hình đối thoại chính sách pháp luật, Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời. Mô hình này đã thiết lập diễn đàn đối thoại đa chiều để các cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền trao đổi, thảo luận, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật.
    
    Bốn là, mô hình tiết học pháp luật; tuần lễ công dân; sinh hoạt dưới cờ hàng tuần; ký cam kết không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội trong các nhà trường; mỗi ngày một tình huống pháp luật, mỗi tuần một điều luật… Các hoạt động này dù trực tiếp hay gián tiếp đều có tác động đến việc nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục ý thức pháp luật với giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người phát triển toàn diện ngay trong nhà trường.
 
    Ngoài ra, còn có các mô hình khác cũng khá hiệu quả như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn, mít-tinh, diễu hành, cổ động trực quan, triển lãm hình ảnh; quán cà phê với pháp luật, doanh nhân với pháp luật…
 
    Các mô hình trên đều khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội; tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, góp phần xây dựng, thi hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chưa trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày và chưa thực sự trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cá nhân. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiện đang được tập trung triển khai ở khu vực đô thị, các thành phố lớn trong tuần lễ cao điểm, từ ngày 01 đến 09-11 hàng năm mà chưa đi sâu, bám rễ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
    Mặt khác, một số hoạt động hưởng ứng còn theo phong trào, nội dung chưa sát với nhu cầu thực tiễn, cách làm còn khô cứng, ít sáng tạo. Ngoài ra, các nguồn lực xã hội là rất lớn nhưng chúng ta vẫn chưa khai thông, thu hút và huy động được để Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự là ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật.
 
    Mặc dù nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên, nhưng tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và các hiện tượng lệch chuẩn xã hội khác vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật bị áp dụng các biện pháp xử lý vẫn còn.
 
    Để nâng cao hiệu quả triển khai và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, cần có những giải pháp sau:
 
    Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng cụ thể về chủ đề, nội dung, hình thức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị làm cơ sở để các tổ chức trực thuộc kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện.
 
    Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bám sát nhu cầu xã hội, nhất là đời sống chính trị - pháp lý của đất nước và từng địa phương. Các hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, rộng khắp để trở thành việc làm tự thân, hàng ngày của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng cá nhân. Việc lựa chọn nội dung cần xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh; có sự lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các phong trào vận động quần chúng.
 
    Phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu thực hiện; tăng cường các mối quan hệ phối hợp, lồng ghép trong triển khai thực hiện; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và thiết thực; tăng cường giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
 
    Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để kết nối, chia sẻ thông tin về pháp luật, về các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, về công tác xây dựng, thi hành pháp luật để phát huy hiệu ứng, sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội.
 
    Tiếp tục khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để đây thực sự là Ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho mọi người trong đời sống xã hội để phát huy đầy đủ nhất vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội cũng như trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
                                                                                        Lê Hiếu
;
.