Giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ

Thứ Năm, 09/11/2017, 15:51 [GMT+7]
    Ngày 07-11, Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đưa ra các giải pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được Chính phủ tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau: 
 
    Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn chỉnh dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội. Tổng kết và sửa đổi Luật thanh tra, triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự, hoàn thiện cơ chế giám định về tư pháp.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
    Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu. Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản. Tăng cường thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.
 
    Ba là, tổng kết, đánh giá Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp. Khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu. Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý,...
 
    Bốn là, phải thực hiện tuyên truyền bằng hành động thực tiễn, nêu cao tính gương mẫu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, nhất là trong việc kê khai minh bạch tài sản, công khai hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng.
 
    Năm là, tăng cường tập trung thanh tra kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Cổ phần hóa doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài v.v..
 
    Sáu là, đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp, nhất là những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo. Theo dõi chỉ đạo áp dụng đầy đủ các biện pháp xác minh kê biên tài sản đối với các bị can, bị cáo trong quá trình điều tra truy tố xét xử thi hành án để đảm bảo thi hành thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
 
    Bảy là, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn phòng, chống tham nhũng.
                                                                                     Lê Sơn
                                                                     (Báo Chính phủ Điện tử)
;
.