Ủy ban Tư pháp cho ý kiến vào Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thứ Ba, 12/09/2017, 08:53 [GMT+7]
    Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì Phiên họp.
 
    Theo Báo cáo của VKSNDTC, năm 2017, ngành kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đạt được một số kết quả nhất định: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự tiếp tục được tăng cường; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa chuyển biến tích cực; các trường hợp oan, sai giảm mạnh; công tác kháng nghị được chú trọng, chất lượng bảo đảm; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Đã làm tốt hơn công tác khởi tố, điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự được tăng cường, hiệu quả hơn. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả tốt hơn, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp tuân thủ đúng pháp luật, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo vệ. Quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp tiếp tục được tăng cường, đã giải quyết dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế.
 
Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp
Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp
    Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong công tác của ngành kiểm sát vẫn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc: Một số đơn vị kiểm sát chưa chặt chẽ, kịp thời trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nên chưa làm tốt nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đối với một số vụ án chưa tốt; chưa bám sát, nắm chắc tiến độ lập hồ sơ vụ án, chưa ban hành kịp thời các bản yêu cầu điều tra. Việc phê chuẩn các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn có trường hợp chưa chính xác; có trường hợp phải đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; việc giải quyết nhiều vụ án về tham nhũng còn kéo dài, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung cao. Công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến nhưng số đơn chưa giải quyết vẫn còn nhiều...
 
    Góp ý vào Báo cáo, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung Báo cáo về công tác của Cơ quan điều tra VKSNDTC; tình hình chấp hành các kiến nghị, kháng nghị của VKSND trên nhiều lĩnh vực (trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố...).
 
    Đánh giá về những vấn đề cụ thể trong Báo cáo, một số ý kiến cho rằng, công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng còn chưa đáp ứng yêu cầu nên tố giác, tin báo về tham nhũng bị quá hạn giải quyết còn chiếm tỷ lệ cao. Một số VKSND còn chưa quan tâm kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tiến độ và chất lượng truy tố một số vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; số vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung còn chiếm tỷ lệ cao (số vụ Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung chiếm tới 23,3% số vụ đã truy tố). Vẫn còn một số trường hợp VKSND truy tố không chính xác, thiếu căn cứ (truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt, thậm chí một số vụ VKSND truy tố nhưng Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội). Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa có lúc, có nơi còn chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được giải quyết chỉ đạt 51,8%, chưa đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội. Công tác điều tra của VKSNDTC chưa có chuyển biến mạnh, số vụ việc được phát hiện, khởi tố, điều tra còn thấp, chưa tương xứng với tình hình phạm tội trong hoạt động tư pháp theo phản ánh của dư luận. Tại một số địa phương, VKSND chậm phát hiện vi phạm trong thi hành án hình sự để kiến nghị, kháng nghị... Do vậy, đề nghị VKSNDTC chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm 100% tố giác, tin báo được kiểm sát kịp thời, hạn chế vi phạm xảy ra. VKSND các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự, nhất là đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng; hạn chế các trường hợp phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại; nâng cao chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự, các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính...
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.