Phiên họp toàn thể lần thứ 8 cho ý kiến đối với Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ

Thứ Năm, 28/09/2017, 15:22 [GMT+7]
    Chiều ngày 27-9, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 8 cho ý kiến đối với Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ. 
 
    Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí: số lượng công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Về khiếu nại, cả nước phát sinh 57.983 đơn khiếu nại, giảm 8,7% số đơn và 16,3% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4%, về nhà ở chiếm 11,7% trong tổng số đơn khiếu nại.
 
    Về tố cáo, cả nước phát sinh 15.555 đơn tố cáo, giảm 9,7% số đơn và 14,4% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 62,3%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội. 
 
    Trong năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 263.722 đơn thư các loại, trong đó có 57.983 đơn khiếu nại, 15.555 đơn tố cáo. Có 154.095 đơn đủ điều kiện xử lý với 24.540 vụ việc khiếu nại, 6.602 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 26.120/31.142 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,9%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 54,2 tỷ đồng, 32,7 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 416 người (đã xử lý 297 người, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 06 đối tượng).
 
    Về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tính đến ngày 01/8.2017, các cơ quan hành chính nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, giải quyết 528 vụ việc; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 533 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp...
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính tại một số nơi chưa cao, chưa làm tròn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này còn hạn chế cả về năng lực và ý thức trách nhiệm, nhất là kỹ năng tiếp công dân. Một số địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ngoài ra, ở địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng hạn chế, sai sót trình tự, thủ tục, chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc; chưa quan tâm gắn giải quyết với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật...
 
    Đánh giá Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện nguyên nhân, tình hình phát sinh khiếu nại, tố cáo; kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Tuy nhiên, Báo cáo chưa thể hiện rõ điểm mới, nổi bật của tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2017; chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số đánh giá, nhận định về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp còn chung chung, mâu thuẫn, kiến nghị còn đơn giản, chưa cụ thể; một số số liệu chưa thực sự chính xác; những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo. Do đó, đề nghị rà soát lại các số liệu, nhận định, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất, logic; đồng thời, cung cấp phụ lục các số liệu về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong công tác này của từng bộ, ngành, địa phương để các đại biểu Quốc hội có thông tin toàn diện.
 
    Tại Phiên họp, các ý kiến đều cho rằng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là vấn đề rất phức tạp. Đề nghị Báo cáo cần phải chỉ rõ những cơ chế, chính sách pháp luật nào chưa được hoàn thiện hoặc thiếu đồng bộ để sửa đổi, bổ sung. Chỉ rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nào chưa cao, chưa làm tròn trách nhiệm tiếp công dân; địa phương nào giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chất lượng hạn chế...Cần có giám sát toàn diện hơn về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.
 
    Các ý kiến cũng đưa ra một số giải pháp: Công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở khu dân cư. Hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sớm ban hành Luật tố cáo (sửa đổi) để giải quyết những vướng mắc hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hằng năm, thực hiện việc rà soát và lập danh sách các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài để quyết tâm giải quyết dứt điểm, tăng cường phối hợp để nắm bắt kịp thời và xử lý các tình huống phức tạp, dễ phát sinh thành điểm nóng; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo; làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm; đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời đối với cá nhân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Nguyễn Phương Thảo
;
.