Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 luật mới

Thứ Năm, 13/07/2017, 15:53 [GMT+7]
    Ngày 12-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật mới được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua.
 
    Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật trợ giúp pháp lý; Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
 
Quang cảnh buổi Họp báo
Quang cảnh buổi Họp báo
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 của Bộ luật; sửa đổi, bổ sung theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.
 
    Nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội. Trong đó, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.
 
    Luật cũng sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm.
 
    Đáng chú ý, Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, đồng thời bổ sung một tội danh mới, đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, gây thiệt hại cho nhiều người.
 
    Luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.
 
    Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (BTNN) 2017 với 9 chương, 78 điều đã được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện với những nguyên tắc bồi thường được kế thừa từ quy định của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu  thực tế đặt ra. Theo đó, việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
 
    Luật mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền  khởi kiện ngay ra Tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự và hình sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự và hình sự. Về phạm vi trách nhiệm bồi thường, so với Luật cũ, Luật trách nhiệm BTNN 2017 đã bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường trong các lĩnh vực để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật hiện hành. Theo đó, công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước đã bổ sung 2 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái luật và 01 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật “giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.
 
    Đáng chú ý, Luật cũng bổ sung trường hợp bồi thường do “ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”. Đồng thời, bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán được ngay, không cần xác minh.
 
    Trước ý kiến tỏ ra băn khoăn Luật trách nhiệm BTNN, mở rộng phạm vi bồi thường sang quản lý hành chính có ảnh hưởng đến kinh phí của Nhà nước, trong bối cảnh nợ công tăng cao không, đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết: việc mở rộng phạm vi bồi thường sang hoạt động quản lý hành chính không ảnh hưởng đến kinh phí chi trả hoạt động BTNN.
 
    Luật bổ sung quy định tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí theo quy định của Chính phủ.
 
    Về đối tượng được trang bị vũ khí, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí là Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
    Về quy định nổ súng, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Đồng thời, Luật quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng.
 
    Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều. Luật có hiệu lực từ ngày 01-7-2018.      
 
    Có hiệu lực từ ngày 01-7-2018, Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật cảnh vệ bổ sung 2 chương, 12 điều. Điểm mới đáng chú ý của Luật cảnh vệ là quy định rõ quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ  để tránh lạm quyền trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời bổ sung một số quyền hạn mới cho cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay như quy định được sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên…
 
    Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) gồm 8 chương, 48 điều  với nhiều điểm mới nổi bật như: mở rộng đối tượng được TGPL (từ 6 diện người lên 14 diện người); bổ sung nguồn tài chính cho công tác TGPL; nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người được TGPL; sắp xếp, tinh gọn các Chi nhánh của Trung tâm TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.
 
    Luật quản lý, sử dụng tài sản công tạo lập những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, thống kê, hạch toán đầy đủ tài sản công, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng, quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí; xây dựng cơ chế khai thác tài sản công hợp lý gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội.
 
    Luật bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.
 
    Luật gồm 10 chương, 134 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018.
                                                                                   Lê Sơn
                                                                             (Báo Chính phủ điện tử)
;
.