Bộ Tư pháp: Tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra

Thứ Tư, 26/07/2017, 17:26 [GMT+7]
    Ngày 24-7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra. Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 năm qua, việc thi hành Luật thanh tra năm 2010 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về công tác thanh tra chuyên ngành đã được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, đồng thời xác định công tác thanh tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hàng năm. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị thanh tra luôn được Bộ Tư pháp quan tâm, chú trọng.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Từ ngày 01-7-2011 đến tháng 5-2017, Bộ đã tiến hành 124 cuộc thanh tra theo kế hoạch (68 cuộc thanh tra hành chính, 56 cuộc thanh tra chuyên ngành) qua đó phát hiện những tồn tại, sai sót và ban hành 34 quyết định thu hồi, 73 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Bộ cũng tiến hành 31 cuộc thanh tra đột xuất, ban hành 14 quyết định thu hồi, 6 quyết định xử phạt với số tiền hơn 986 triệu đồng. Đặc biệt, các cuộc thanh tra đều hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt, không có cuộc nào chậm tiến độ
 
    Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác triển khai thi hành Luật thanh tra thời gian qua. Cụ thể, Luật thanh tra 2010 đã bảo đảm cho việc thi hành các yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua đó, các sai phạm mà cơ quan thanh tra đã phát hiện được ngăn chặn, xử lý kịp thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Không phân định tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo cấp hành chính và tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo ngành, lĩnh vực mà chỉ quy định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; chưa có quy định cụ thể một số lĩnh vực được giao thực hiện  chức năng  thanh tra chuyên ngành 1 năm cần tổ chức ít nhất bao nhiêu cuộc; chưa phân định rõ thẩm quyền hành chính, pháp luật về thanh tra; chưa có chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối tượng thanh tra…
 
    Để khắc phục những bất cập, hạn chế này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, đại diện các cục, ban, ngành đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra năm 2010 cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thanh tra. Cần quy định về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra có tính độc lập tương đối hơn so với quy định hiện hành trong Luật thanh tra năm 2010; quy định cụ thể hơn việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Cần quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong đó quy định cụ thể về bộ phận tham mưu, cán bộ, biên chế của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
                                                                               Thu Hương
                                                                              (Bộ Tư pháp)
;
.