Các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thứ Sáu, 23/06/2017, 16:00 [GMT+7]

Ngày 15-6-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trang thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thực hiện Lễ ký
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thực hiện Lễ ký

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Điều 2. Căn cứ tổ chức giám sát, phản biện xã hội

 1. Căn cứ tổ chức giám sát:

a) Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;

b) Chương trình phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước cùng cấp;

c) Kiến nghị của tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận;

đ) Thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Căn cứ tổ chức phản biện xã hội:

a) Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;

b) Chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm; dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

c) Kiến nghị của tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Đề nghị của cơ quan nhà nước cùng cấp có dự thảo văn bản.

Điều 3. Xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội

1. Căn cứ quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này, hằng năm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

2. Nội dung giám sát, phản biện xã hội có liên quan đến quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời đại diện lãnh đạo các tổ chức này tham gia xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

3. Quý IV hằng năm, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xây dựng và ban hành cho năm sau trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh được xây dựng và ban hành cho năm sau trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp; kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã được xây dựng và ban hành cho năm sau trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện.

4. Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phải xác định nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành, đối tượng được giám sát, phản biện xã hội.

5. Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có thể được điều chỉnh, bổ sung về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên.

6. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 3 Điều 32 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13.

Chương II

HÌNH THỨC GIÁM SÁT

Mục 1

NGHIÊN CỨU, XEM XÉT VĂN BẢN CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN

Điều 4. Văn bản được nghiên cứu, xem xét

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hoặc đề nghị tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp chủ trì việc nghiên cứu, xem xét các loại văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Điều 5. Trình tự nghiên cứu, xem xét văn bản

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp chủ trì việc nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp cần thiết, tổ chức hội nghị hoặc gửi văn bản lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học.

2. Việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, xem xét văn bản được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội trình bày ý kiến nghiên cứu về văn bản;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức có văn bản được giám sát trình bày ý kiến;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự hội nghị phát biểu ý kiến;

d) Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo tổ chức chính trị-xã hội chủ trì hội nghị kết luận.

3. Việc gửi văn bản lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội gửi văn bản được giám sát đến các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung của văn bản được giám sát;

b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp và xây dựng văn bản kiến nghị đối với nội dung của văn bản được giám sát.

Mục 2

TỔ CHỨC ĐOÀN GIÁM SÁT

Điều 6. Kế hoạch tổ chức đoàn giám sát

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn giám sát của cấp mình; tổ chức chính trị-xã hội chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn giám sát theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

2. Kế hoạch tổ chức đoàn giám sát gồm các nội dung sau đây:

a) Mục đích, yêu cầu giám sát;

b) Đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát;


c) Thành phần đoàn giám sát;

d) Thời gian, địa điểm giám sát;

đ) Phân công trách nhiệm thành viên đoàn giám sát;

e) Các điều kiện bảo đảm.

3. Căn cứ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì giám sát quyết định việc mời đại diện cơ quan, tổ chức liên quan tham gia đoàn giám sát.

Điều 7. Ban hành, thông báo quyết định thành lập đoàn giám sát

1. Căn cứ kế hoạch tổ chức đoàn giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị-xã hội chủ trì giám sát ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát.

2. Trưởng đoàn giám sát thông báo kế hoạch; tổ chức nghiên cứu, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung giám sát; gửi báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, tài liệu có liên quan đến thành viên đoàn giám sát để nghiên cứu.

3. Kế hoạch giám sát, quyết định thành lập đoàn giám sát, nội dung yêu cầu báo cáo gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát chậm nhất là 15 ngày trước ngày đoàn giám sát làm việc với cơ quan, tổ chức đó. Chậm nhất là 07 ngày trước ngày đoàn giám sát làm việc, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát phải gửi báo cáo, tài liệu có liên quan đến đoàn giám sát.

Điều 8. Trình tự giám sát

1. Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát theo trình tự sau đây:

a) Trưởng đoàn giám sát thông báo kế hoạch, quyết định thành lập đoàn giám sát; nêu mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức và chương trình làm việc của đoàn giám sát;

b) Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo về những nội dung theo yêu cầu của đoàn giám sát;
c) Các thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến và có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát giải trình, cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan để làm rõ nội dung giám sát;

d) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bổ sung, giải trình làm rõ ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, nêu kiến nghị với đoàn giám sát (nếu có);

đ) Trưởng đoàn giám sát kết luận.

2. Khi cần thiết, đoàn giám sát tiến hành khảo sát thực tế tại cơ quan, tổ chức có liên quan; người đứng đầu cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm tạo điều kiện để đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ.

Điều 9. Báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát

1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, Trưởng đoàn giám sát có báo cáo kết quả giám sát gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì giám sát.

2. Khi cần thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì giám sát tổ chức hội nghị, hội thảo để xem xét báo cáo của đoàn giám sát.

3. Căn cứ kết quả giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì giám sát kết luận về nội dung giám sát và có văn bản kiến nghị gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đồng thời gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội cấp trên trực tiếp.

Mục 3

GIÁM SÁT THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN, BAN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG

Điều 10. Giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn tổ chức, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm trên địa bàn và thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án.

3. Nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.

Điều 11. Tổ chức giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân:

a) Chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Chương trình, kế hoạch giám sát của Ban Thanh tra nhân dân được công khai trên hệ thống truyền thông hoặc niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về kế hoạch giám sát; gửi kiến nghị đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát.

Trường hợp kiến nghị không được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban Thanh tra nhân dân kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xem xét, kiến nghị đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;

c) Định kỳ nghe báo cáo về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; xác nhận văn bản phản ánh, biên bản, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân trước khi gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân;

d) Động viên Nhân dân địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng:

a) Hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp;

b) Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; xác nhận các văn bản phản ánh, kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trước khi gửi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

c) Hỗ trợ Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc cung cấp thông tin, lập và gửi báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng cho cơ quan, tổ chức có liên quan khi cần thiết;

d) Xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;

đ) Động viên Nhân dân địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Mục 4

THAM GIA GIÁM SÁT VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ THẨM QUYỀN

Điều 12. Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

1. Khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời tham gia giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội cử đại diện tham gia.

2. Trong quá trình tham gia giám sát, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát; nghiên cứu báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, nêu ý kiến về nội dung giám sát và tham gia xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

Điều 13. Kiến nghị khi tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

1. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm đề nghị đoàn giám sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Trường hợp phát hiện có vấn đề vi phạm hoặc chưa phù hợp với chính sách, pháp luật mà cơ quan chủ trì giám sát không kiến nghị thì đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội được cử tham gia đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình để xem xét, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Chương III

HÌNH THỨC PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Mục 1

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Điều 14. Thành phần hội nghị phản biện xã hội

1. Thành phần hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gồm:

a) Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hội nghị; đại diện cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội; thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

2. Thành phần hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tổ chức gồm:

a) Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị phản biện xã hội chủ trì hội nghị; đại diện các tổ chức chính trị-xã hội; thành viên Hội đồng tư vấn (đối với cấp tỉnh), Ban tư vấn (đối với cấp huyện), Tổ tư vấn (đối với cấp xã), các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

3. Thành phần hội nghị phản biện xã hội do tổ chức chính trị-xã hội tổ chức theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp gồm:

a) Đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị-xã hội chủ trì hội nghị; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Điều 15. Trình tự tổ chức hội nghị phản biện xã hội

1. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì hội nghị phản biện xã hội.

2. Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo văn bản.

3. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội định hướng nội dung tập trung phản biện xã hội.

4. Các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận về nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

5. Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội cung cấp thêm thông tin hoặc giải trình làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung được phản biện xã hội.

6. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội kết luận.

7. Trên cơ sở kết quả hội nghị phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội.

Mục 2

GỬI DỰ THẢO VĂN BẢN ĐƯỢC PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐẾN CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN ĐỂ LẤY Ý KIẾN

Điều 16. Tổ chức nghiên cứu văn bản

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội tổ chức việc nghiên cứu hoặc gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các vị chức sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản được phản biện xã hội để lấy ý kiến.

Điều 17. Tập hợp, tổng hợp ý kiến phản biện xã hội

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì phản biện xã hội có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp, xây dựng văn bản phản biện xã hội.

2. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội giải trình làm rõ về những nội dung phản biện xã hội bằng văn bản hoặc thông qua cuộc họp.

3. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội được gửi đến cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội.

Mục 3

TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP GIỮA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ VĂN BẢN ĐƯỢC PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Điều 18. Thành phần hội nghị đối thoại

1. Thành phần hội nghị đối thoại do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gồm:

a) Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hội nghị; đại diện cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội; thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội;

c) Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản được phản biện xã hội cử đại diện tham dự hội nghị đối thoại.

2. Thành phần hội nghị đối thoại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tổ chức gồm:

a) Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị đối thoại chủ trì hội nghị; đại diện các tổ chức chính trị-xã hội; thành viên Hội đồng tư vấn (đối với cấp tỉnh), Ban tư vấn (đối với cấp huyện), Tổ tư vấn (đối với cấp xã), các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội;

c) Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản được phản biện xã hội cử đại diện tham dự hội nghị đối thoại.

3. Thành phần hội nghị đối thoại do tổ chức chính trị-xã hội tổ chức theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp gồm:

a) Đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị-xã hội chủ trì hội nghị; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội;

c) Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản được phản biện xã hội cử đại diện tham dự hội nghị đối thoại.

Điều 19. Trình tự hội nghị đối thoại

1. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì hội nghị đối thoại nêu rõ sự cần thiết, ý nghĩa, mục đích của phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

2. Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo văn bản.

3. Đại biểu được mời dự hội nghị đối thoại nêu câu hỏi, đặt vấn đề cần làm rõ, thể hiện quan điểm, ý kiến về nội dung được phản biện xã hội.

4. Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội trình bày bổ sung, giải trình làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung được phản biện xã hội.

5. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội kết luận.

6. Đại diện cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản được phản biện xã hội phát biểu ý kiến (nếu có).

7. Trên cơ sở kết quả của hội nghị đối thoại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ

1. Phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Phối hợp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

Điều 22. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị-xã hội

1. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

2. Chủ trì thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đề nghị; báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

3. Định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 23. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức

1. Tạo điều kiện, thực hiện các yêu cầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

2. Xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội hằng năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

(Theo TTXVN)

;
.