Ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV

Thứ Tư, 24/05/2017, 16:02 [GMT+7]

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát năm 2018

Sáng 23-5, bắt đầu ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội làm việc ở Hội trường nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Tiếp đó, Quốc hội làm việc ở Tổ, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Còn tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Nhiều đại biểu chỉ rõ, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cùng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng các dự án luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật được quan tâm, đầu tư hơn.

Quốc hội thảo luận tại Tổ
Quốc hội thảo luận tại Tổ

Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn khá nhiều hạn chế, chậm được khắc phục. Đó là Chương trình đã được thông qua, nhưng vẫn phải điều chỉnh nhiều. Chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành Luật chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành…

Cho rằng, sau khi Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực, việc xây dựng văn bản pháp luật đã có nhiều tiến bộ, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cũng chỉ rõ tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành còn diễn ra quá nhiều. Để khắc phục, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị, quy trình xây dựng luật cần thay đổi theo hướng dự án luật cần được duyệt nội dung đề cương trước, sau đó mới cho phép triển khai khâu soạn thảo, để tránh lãng phí thời gian, công sức cũng như tránh những quy định mang tính chất “lợi ích nhóm”, hoặc quan điểm cá nhân của bộ, ngành chủ trì soạn thảo.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, Quốc hội cần thay đổi quy trình làm luật, vì với quy trình hiện hành, đại biểu Quốc hội khó đọc và góp ý sâu vào các dự án luật. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Quốc hội cần thông qua đề cương chi tiết, trong đó lý giải rõ tại sao cần ban hành Luật này, còn sau đó biên soạn thành văn thế nào là do các cơ quan chuyên môn.

Cơ bản đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, song Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị nên bổ sung một luật sửa 28 luật liên quan đến vấn đề quy hoạch. Bởi tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật quy hoạch, với phạm vi liên quan phải sửa 32 luật. Trong đó, 28 luật sửa một số điều, điểm, còn 4 luật phải sửa rộng hơn. Nếu không đưa “một luật sửa nhiều luật” liên quan đến quy hoạch vào dự kiến Chương trình, thì trong trường hợp QH thông qua Luật Quy hoạch cũng không thực hiện ngay được, vì không bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Tập trung vào vấn đề cử tri bức xúc

Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung giám sát được QH thông qua cơ bản là phù hợp, bám sát tình hình thực tế, nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội và cử tri, hiện đang được triển khai tích cực, khẩn trương để kịp thời báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 theo đúng kế hoạch. Về giám sát chuyên đề, các nội dung được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, thiết thực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận cả nước ghi nhận.

Cho rằng Quốc hội đã và đang thực hiện tốt Chương trình hoạt động giám sát năm 2017, bảo đảm tiến độ, chất lượng, song đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) đề nghị, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội … cần có sự chủ động trước về mặt nội dung và thời gian, thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quá trình giám sát để nâng cao chất lượng. Đó là cần phải có thời gian tiến hành các đợt khảo sát, đi thực tế, nắm bắt số liệu, trên cơ sở đó, mới thực hiện giám sát. Nếu có sự nghiên cứu trước, chủ động, bảo đảm về mặt thời gian, quy trình thì tin rằng chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ tốt hơn.

Về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát năm 2018, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể. Một là, việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hai là, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bốn là, việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cơ bản đồng tình với dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, những chuyên đề được đề xuất để Quốc hội lựa chọn giám sát đều là những vấn đề bức xúc ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

                                                                               Vũ Khuyên

                                                                        (Văn phòng Quốc hội)

;
.