Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh: Triển khai nắm tình hình công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2015

Thứ Tư, 12/08/2015, 14:37 [GMT+7]
    Thực hiện Kế hoạch số 132-KH/TU ngày 08/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc Tổng kết công tác cải cách tư pháp (CCTP) giai đoạn 2011 - 2015, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 64-QĐ/BNC ngày 23/6/2015 "về việc thành lập Tổ công tác nắm tình hình công tác cải cách tư pháp và kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cải cách tư pháp", do đồng chí Đỗ Vũ Chung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, thành phần đoàn gồm các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của Ban Nội chính; Chánh thanh tra Sở Kế hoạch-Đầu tư và 01 cán bộ thanh tra Sở Tài chính tham gia tổ công tác. 
 
Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp về công tác Cải cách Tư pháp
Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp về công tác Cải cách Tư pháp
    Trong thời gian từ ngày 29/6/2015 đến ngày 04/7/2015, Tổ công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiến hành làm việc, kiểm tra tại các cơ quan tư pháp chủ chốt của tỉnh gồm: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh; làm việc với Ban chỉ đạo CCTP của 03 địa phương gồm: Thành phố Hạ Long, Uông Bí và huyện Tiên Yên. Quá trình làm việc đã kết hợp giữa nghe báo cáo, khảo sát trực tiếp tại đơn vị, công trình; riêng nội dung kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ CCTP được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu trực tiếp các hồ sơ, chứng từ, có trao đổi với cơ quan chịu trách nhiệm. Đối với các đơn vị, địa phương còn lại, thực hiện nghiên cứu báo cáo  tổng kết công tác CCTP giai đoạn 2011-2015 cùng với quá trình tham mưu tổng kết công tác CCTP của tỉnh.
 
    Một số kết quả nổi bật qua nắm tình hình, kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện: Các cấp ủy địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCTP theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW và chỉ đạo của Tỉnh;  đối với các địa phương đều đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) CCTP và tổ giúp việc cho BCĐ; đối với các ngành đã lồng ghép và giao cho Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, riêng Công an tỉnh lập BCĐ gồm tập thể lãnh đạo và một số lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chức năng. Các ngành, địa phương đều đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tại các địa phương, qua làm việc đều ghi nhận đánh giá của cấp ủy về kết quả công tác CCTP trong nhiệm kỳ qua. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác tư pháp và CCTP được thường xuyên, sát sao và rõ nét hơn, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc theo Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, không can thiệp vào công việc chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Duy trì thường xuyên, định kỳ công tác giao ban khối nội chính để phát hiện, chỉ đạo kịp thời các vụ án, vụ việc và những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trong khối nội chính. 
 
    Về hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã có những chuyển biến đáng kể được ghi nhận là nhận thức của cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân được nâng lên. Cán bộ có chức danh tư pháp đã thể hiện rõ thái độ làm việc đổi mới, dân chủ, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hơn trước; đặc biệt coi trọng, trách nhiệm trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự phức tạp, hết sức tránh oan sai; coi trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong quá trình tố tụng. Nhân dân đã biết đến và sử dụng các thiết chế có tính chất dân chủ, cải cách để bảo vệ quyền lợi, như tham vấn luật sư, sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án... Tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo, các bên tham gia tố tụng được triệu tập đầy đủ, tạo điều kiện phát biểu, tranh luận dân chủ; nhiều vụ án có diễn biến mới đã quyết định theo kết quả tranh tụng để trả hồ sơ điều tra bổ sung...Tuy nhiên, tranh tụng tại phiên tòa chưa thực sự chuyển biến có tính đột phá như chủ trương của Nghị quyết 49-NQ/TW. 
 
    Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, các ngành, địa phương đều đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước nâng cao để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng các cán bộ có chức danh tư pháp. Tuy nhiên, Đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên, tuy đã được quan tâm đào tạo để nâng cao chất lượng nhưng vẫn chưa đồng đều.
 
    Cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp được cải thiện rõ rệt. Tòa án nhân dân tỉnh được xây mới khang trang, hiện đại; ở cấp huyện nhìn chung Tòa án được cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu; Viện kiểm sát một số nơi được đầu tư lớn (như Uông Bí, Hạ Long). Công an thành phố Uông Bí đã khởi công trụ sở mới có quy mô xứng tầm. Trang thiết bị làm việc hiện nay cơ bản đủ phục vụ công tác; (TP Uông Bí hỗ trợ 48.405 triệu đồng; TP Hạ Long 1.860 triệu đồng; huyện Tiên Yên trên 100 triệu đồng).
 
    Tuy nhiên, về cơ sở vật chất hiện nay có một số bất cập như: Hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam có chất lượng kém, không đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về chế độ giam giữ và phục vụ điều tra. Một số nhà tạm giữ (tại công an Uông Bí, Tiên Yên...) rất chật chội, xuống cấp, không giam riêng được các đối tượng (chưa thành niên, có HIV, đồng phạm trong cùng vụ án...). Trại tạm giam Công an tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc giam giữ số lượng lớn đối tượng có án tử hình (56 đối tượng), phải thực hiện giam chung buồng, giam trong khu kỷ luật... rất khó quản lý; chưa có nhà thi hành án tử hình nên phải chi phí rất lớn cho việc đưa bị án đi thi hành tại Hà Nội (khoảng 250 triệu đồng/trường hợp), đồng thời gây vất vả, căng thẳng cho lực lượng cán bộ tham gia.
 
    Tổng kinh phí hỗ trợ các cơ quan tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015 thông qua phân khai của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh là 17 tỷ, 107 triệu đồng; trong đó: Công an tỉnh 4.672 triệu đồng; Viện Kiểm sát tỉnh 5.025 triệu đồng; Tòa án tỉnh 4.270 triệu đồng; Cục Thi hành án dân sự 1.140 triệu đồng; Sở tư pháp 800 triệu đồng; Sở Cảnh sát PCCC 200 triệu đồng; Đoàn Luật sư 190 triệu đồng... Qua kiểm tra việc sử dụng kinh phí tại các đơn vị, Tổ công tác nhận thấy hầu hết các đơn vị được hỗ trợ kinh phí đều thực hiện việc sử dụng kinh phí hỗ trợ CCTP vào đúng mục đích, kịp thời, tạo điều kiện cho các đơn vị tư pháp xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc và sắm phương tiện làm việc, tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, chiến sỹ, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Đào Xuân Kình 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh)
;
.