Tham nhũng làm tăng 25% chi phí chăm sóc sức khỏe

Thứ Hai, 28/10/2019, 16:57 [GMT+7]
    Đó là thông tin được đề cập đến trong cuốn sách do bác sỹ hàng đầu Ấn Độ Samiran Nundyco làm chủ bút, với tựa đề: "Người chữa bệnh hay Kẻ săn mồi?: Tham nhũng trong ngành Y tế Ấn Độ" (Healers or Predators?: Healthcare Corruption in India).
 
    Theo bác sỹ Samiran Nundyco, cuốn sách là tập hợp 41 bài tiểu luận điều tra của các bác sỹ, học giả y tế công, các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động, các thành viên xã hội dân sự và 1 nhà báo. 2 đồng tác giả là cựu Bộ trưởng Sức khỏe và Hạnh phúc Gia đình Kesav Desiraju và Sanjay Nagral, một bác sỹ phẫu thuật.
 
Cuốn sách
Cuốn sách "Người chữa bệnh hay Kẻ săn mồi?: Tham nhũng trong ngành Y tế Ấn Độ"
    "Healers or Predators" đã đưa ra mặt tối của ngành Y, đặc biệt là vấn đề tham nhũng. Vậy, khi cuốn sách được xuất bản, các bác sỹ đã có phản ứng như thế nào? Rất nhiều y bác sỹ đã phản đối. Họ cho rằng, tình trạng tham nhũng đã bị phóng đại trong cuốn sách và làm tổn hại thêm mối quan hệ giữa bác sỹ và bệnh nhân nghèo hiện nay. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói rằng, đó là một đánh giá chính xác. Những "góc khuất" trong các bệnh viện, phòng khám được đưa ra. Như, để chụp CT hay các xét nghiệm chẩn đoán khác, người bệnh phải lót tay 3.000 Rs cho bác sỹ chỉ dẫn. Hoặc, đối với một ca ghép gan, số tiền "trà thuốc" có thể lên tới 200.000 Rs...
 
    Tiêu đề của cuốn sách cũng gây nên sự tranh cãi. Một số người nói nó quá khắc nghiệt khi gọi các bác sỹ tham nhũng là "những kẻ săn mồi". Trong khi một số khác lại đánh giá, đây là một cách gọi phản ánh chính xác tình hình hiện tại. Khi mà mục tiêu chính của các bác sỹ tham nhũng không phải là để chữa lành bệnh, mà là biến ví tiền của bệnh nhân trở thành "con mồi".
 
    Dù cho nhiều luồng ý kiến tranh luận, "Healers or Predators" vẫn được coi là một trong những cuốn sách mang tính bước ngoặt về tham nhũng. Vấn đề này, phải được lên tiếng một cách thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn.
 
    Ở Ấn Độ, chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một trong những khoản phí cao nhất. Ước tính, tham nhũng đã làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe thêm khoảng 25%. Và, điều gì đã khiến bác sỹ cũng như các cơ sở y tế theo đuổi các hoạt động tham nhũng? Đó là vì lòng tham, áp lực doanh nghiệp và lệ phí khổng lồ ở các trường đại học, cao đẳng y tế tư nhân, nơi mà công tác giảng dạy nhìn chung là kém chất lượng.
 
    Theo nhóm tác giả "Healers or Predators", đất nước cần có một Hội đồng Y khoa Quốc gia đủ mạnh và trung thực, với một nửa số thành viên trong Hội đồng phải là những người bình thường. Còn, các bác sỹ, cơ sở y tế có sai phạm phải bị trừng phạt, hủy đăng ký. Ấn Độ cần đầu tư nhiều hơn vào các bệnh viện khu vực công và chúng cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp chính trị.
                                                                                           Ngọc Anh
.