Jordan: Các chính trị gia tham nhũng nhiều nhất

Thứ Ba, 28/08/2018, 17:09 [GMT+7]
    Đây là kết quả của cuộc khảo sát vừa được World Values Survey và Công ty nghiên cứu, khảo sát và tư vấn NAMA phối hợp thực hiện ở một số nước Arab. 68% công dân trưởng thành của Jordan tham gia khảo sát cho rằng các chính trị gia tham nhũng; gần 18% tin rằng "tất cả các chính trị gia đều tham nhũng".
 
    Trong khi các chính trị gia là nhóm đứng đầu trong nhận thức của người dân Jordan về tham nhũng thì khối doanh nghiệp đứng ở vị trí thứ 2 với mức 57%. Tổng cộng có 45% nói rằng, hầu hết doanh nghiệp tham nhũng; 12% khẳng định tất cả doanh nghiệp đều tham nhũng.
 
Người dân Jordan biểu tình tại Thủ đô Amman
Người dân Jordan biểu tình tại Thủ đô Amman
    2 nhóm chính trị gia - doanh nghiệp của Jordan đã tạo thành tầng lớp quyền lực nhất trong xã hội và quyết định hầu hết các mối quan hệ nhà nước - xã hội thông qua công việc của họ trong lĩnh vực pháp luật, hoạch định chính sách và thực thi.
 
    Với 2 nhóm nêu trên được phần đông người tham gia khảo sát nhận thức là "hầu hết" hoặc "tất cả" tham nhũng, Jordan phải thực sự nghiêm túc lo ngại về hậu quả có thể xảy ra.
 
    Sự mất dần niềm tin của người dân Jordan không chỉ giới hạn ở các chính trị gia hay khối doanh nghiệp mà còn mở rộng ra các tổ chức quản lý địa phương. Có tới 56% số người được hỏi cho rằng, chính quyền thành phố tham nhũng. Đây là khu vực có liên quan đến một số dịch vụ cơ bản như thủ tục cấp phép địa phương.
 
    Theo một cuộc thăm dò khác do NAMA thực hiện vào nửa cuối tháng 6/2018, chỉ 14% người được khảo sát cho biết họ tin tưởng vào chính quyền đô thị nơi mình đang sống, trong khi 31% cho rằng họ không có chút tin tưởng nào. Thêm vào đó, chỉ 8% cho rằng hội đồng thành phố hoạt động rất hiệu quả, trong khi 26% đánh giá là thiếu hiệu quả.
 
    Khi được hỏi về vấn đề quản lý địa phương, 40% cho rằng có tham nhũng, 20% cho rằng trong sạch. Cán bộ nhân viên khu vực công được cho là ít tham nhũng hơn nhóm chính trị gia, doanh nghiệp và chính quyền thành phố.
 
    Nhà báo và nhóm phương tiện truyền thông được xem là ít tham nhũng nhất trong 5 nhóm. Những nhận thức về tình hình tham nhũng mang chiều hướng tiêu cực ở Jordan gióng lên hồi chuông cho các nhà hoạch định nước này, cần tăng cường minh bạch, chống tham nhũng để lấy lại niềm tin cho công chúng, phát triển đất nước.
                                                                                  Ngọc Anh
                                                                              (Báo Thanh tra)
.